Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Luật Việc làm (sửa đổi) - Đẩy mạnh hỗ trợ người lao động và thúc đẩy việc làm bền vững

(Dân sinh) - "Cùng với Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững.”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng chính sách, pháp luật tháng 1/2023 diễn ra chiều 2/2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình về đề nghị xây dựng Luật  Việc làm (sửa đổi), Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, mục tiêu xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.

Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn:

Nhóm chính sách 1: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập

Luật sửa đổi nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước.

Nội dung nhóm chính sách này gồm: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư); quản lý nguồn lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất, tập trung, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Nhóm chính sách 2: Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Luật sửa đổi bổ sung sẽ mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Nội dung chính sách  gồm:  Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp; Quy định nhằm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp; Quy định các vấn đề về BHTN phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nhóm chính sách 3: Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Mục tiêu nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Nội dung chính sách gồm: Quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; Quy định nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.

Nhóm chính sách 4: Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững

Nhóm chính sách này với  mục tiêu thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.

Nội dung chính sách  gồm: Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu; Quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động; Quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.

Các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp

Các thành viên Chính phủ tham dự Phiên họp

Về đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đề nghị cần có tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng về kết quả thi hành Luật Việc làm năm 2013 và các quy định có liên quan; việc xây dựng luật phải đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong cả hoạt động quản lý nhà nước và quản trị, điều hành của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức liên quan; góp phần phát triển thị trường việc làm bền vững, cũng như nâng cao chất lượng, hiện đại hóa nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn mới; tạo thuận lợi cho thị trường việc làm phát triển đồng bộ, bền vững; thúc đẩy cung, cầu lao động có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao…

Tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu thêm để hoàn thiện, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ có buổi làm việc với Ủy ban Xã hội và  Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội.  

Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng nhấn mạnh, cũng như Bộ Luật Lao động, Luật việc làm (sửa đổi) sẽ điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động).  Với 4 nhóm chính sách được đề cập, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, giải quyết chính sách BHTN, chính sách hỗ trợ học nghề  và thúc đẩy việc làm theo hướng bền vững.