Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quảng Nam cần sớm giải quyết tồn đọng về chính sách người có công

Dân Sinh-Sáng ngày 20/07/2020, Đồng chí Đào Ngọc Dung-Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo, Quảng Nam hiện có trên 65.400 liệt sỹ, trên 135.000 thân nhân; trên 30.500 thương bệnh binh; trên 46.000 người có công giúp đỡ cách mạng; gần 12.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày; trên 33.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng Huân, huy chương; trên 6.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... đặc biệt cả tỉnh có 15.237 Bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" (trong đó có 2.582 Mẹ được phong tặng, hiện còn sống 605 Mẹ). 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quảng Nam cần sớm giải quyết tồn đọng về chính sách người có công  - Ảnh 1.

Buổi làm việc có sự tham gia của Lãnh đạo tỉnh và các sở ngành ở tình Quảng Nam

Với những đặc điểm trên, công tác thực hiện chính sách ưu đãi, chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống người có công cách mạng trên địa bàn tỉnh luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức, tập trung phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, đặc biệt là chỉ đạo thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đạt nhiều kết quả.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã xác nhận và thực hiện chế độ trợ cấp các loại đối tượng cho 5.630 trường hợp; trong đó: ban hành Quyết định điều dưỡng tập trung đối với 3.584 trường hợp; trợ cấp đối với thân nhân liệt sỹ: 138 trường hợp; trợ cấp thờ cúng liệt sỹ: 349 trường hợp; trợ cấp 3 tháng và mai táng phí, tuất từ trần các nhóm đối tượng theo Pháp lệnh: 938 trường hợp; trợ cấp đối với Bà mẹ VNAH mới được phong tặng, truy tặng: 45 trường hợp; trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: 47; trợ cấp ưu đãi trong giáo dục, đào tạo: 101 trường hợp; ...và ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ năm 2020 bằng danh sách đối với 40.218 trường hợp.

Ngoài ra, đã cấp đổi thẻ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, dụng cụ chỉnh hình: 326 trường hợp; công văn, trả lời đơn thư hỏi chế độ, chính sách, tìm mộ liệt sĩ: 12 trường hợp; di chuyển hồ sơ người có công cách mạng đến nơi cư trú mới: 161 trường hợp; hỗ trợ thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sỹ về nguyên quán: 07 trường hợp; lập thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ liệt sỹ: 09 trường hợp; giới thiệu giám định AND xác định danh tính liệt sỹ: 03 trường hợp; trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại Bằng TQGC: 111 trường hợp...Toàn tỉnh có 15.237 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đến nay có 605 Mẹ còn sống, 100% Mẹ đã được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng còn có nhiều vướng mắc, UBND tỉnh cũng đã có báo cáo góp ý đề xuất gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, sớm trình UBTVQH ban hành Pháp lệnh sửa đổi bổ sung Pháp lệnh số 04 để tỉnh có cơ sở triển khai thực hiện.

Về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng theo Quyết số 408/QĐ-LĐTBXH. Thực hiện Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, Công văn số 144-CV/BCSĐ ngày 17/3/2017 của Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Công văn số 998/LĐTBXH-NCC ngày 17/3/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết hồ sơ tồn đọng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, tiếp nhận 27 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Kết quả giải quyết cụ thể như sau: 12 trường hợp đã được tặng Bằng Tổ quốc ghi công; 06 trường hợp đã trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đang chờ giải quyết; 06 trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ nộp sau thời điểm rà soát và hiện đang hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ xin ý kiến trước khi họp ban Chỉ đạo tỉnh và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng (có danh sách trích ngang cụ thể từng trường hợp, trong đó có trường hợp của ông Nguyễn Đăng Thiểm). 03 trường hợp không đủ điều kiện giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH đã trả hồ sơ về địa phương. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quảng Nam cần sớm giải quyết tồn đọng về chính sách người có công  - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Tân-PCT UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo về tình hình thực hiện chính sách người có công

Ông Trần Văn Tân-PCT UBND tỉnh Quảng Nam đã báo cáo với đoàn công tác về việc rà soát những trường hợp hy sinh chưa được xác nhận liệt sỹ (diện tồn sót) theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam ngày 22/11/2017, kết quả như sau: Tổng số kê khai: 1.170 trường hợp, trong đó 104 trường hợp mất tin, mất tích (có thể áp dụng văn bản hiện hành để giải quyết). Còn lại 1.066 trường hợp, trong đó: Khối Dân - Chính - Đảng: 1.047 người, Quân đội: 16 người, Công an: 03 người

Qua rà soát, phân loại cụ thể như sau: Nhóm đã xác lập hồ sơ, có giấy xác nhận của nhân chứng, đã được UBND cấp xã xác nhận (Hội đồng xác nhận người có công cấp xã chưa họp xét hoặc đã họp xét nhưng chưa có Giấy bảo tử của cấp có thẩm quyền hoặc đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy báo tử (116 trường hợp).

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể, xác định mức độ hoàn thiện của từng hồ sơ; nếu hồ sơ đã hoàn thiện ở cấp xã (tức có Biên bản họp xét duyệt cấp xã) hoặc gia đình đã kê khai hồ sơ, có xác nhận của các nhân chứng đã được UBND xã chứng thực vào thời điểm trước năm 2005 và có lý lịch của các nhân chứng thể hiện quá trình công tác phù hợp thì xin ý kiến Bộ cho phép hoàn thiện hồ sơ và vận dụng giải quyết theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017.

Nhóm chưa có căn cứ xác lập hồ sơ (Ghi nhận trong các nhà bia ghi tên liệt sĩ, bia chiến tích hoặc bia tưởng niệm, hoặc được thể hiện trong Kỷ yếu của cơ quan, đơn vị hay trong Hồi ký của các đồng chí lãnh đạo và gia đình mới kê khai thông tin họ tên, địa chỉ, nơi hy sinh là 950 trường hợp): Chưa có cơ sở pháp lý theo quy định hiện hành, báo cáo Bộ xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn về cơ chế để xác lập hồ sơ giải quyết.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành đề án xây dựng 31.352 nhà ở cho người có công với cách mạng (trong đó xây mới 9.889 nhà, sửa chữa 21.463 nhà ), tổng số hộ đã hoàn thành hỗ trợ là 27.415 hộ (trong đó: 8.312 hộ xây mới và 19.103 hộ sửa chữa). 

Kinh phí thực hiện 825 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 742 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 83 tỷ đồng). Tổng số kinh phí ngân sách trung ương đã được thanh toán, quyết toán là 641 tỷ đồng, ngân sách Trung ương còn dư, chưa giải ngân: 101 tỷ đồng/3.937 nhà không thực hiện do đối tượng đã được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí khác, đối tượng chết không còn thân nhân đủ điều kiện, chuyển hộ khẩu đi nơi khác, một bộ phận nhỏ không đủ điều kiện về kinh tế hoặc đặc thù phong tục, tập quán chưa thể làm nhà...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quảng Nam cần sớm giải quyết tồn đọng về chính sách người có công  - Ảnh 3.

Ông Phan Việt Cường-Ủy viên Trung ương Đảng-Bí thư tỉnh Quảng Nam kiến nghị 1 số khó khăn, vướng mắc của tỉnh Quảng Nam

Ông Phan Việt Cường-Ủy viên Trung ương Đảng-Bí thư tỉnh Quảng Nam kiến nghị với đoàn công tác: Quảng Nam có rất nhiều đối tượng chính sách, người có công với các mạng chưa được đầu tư, hỗ trợ. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện chính sách, ngày 03/10/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND tiếp tục hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở để giải quyết hỗ trợ cho 12.734 trường hợp tăng thêm, với tổng kinh phí cần hỗ trợ dự kiến khoảng 335 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương. Năm 2019, ngân sách tỉnh đã bố trí 100 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, với tình hình khó khăn về kinh tế hiện nay, khả năng đảm bảo huy động ngồn kinh phí còn lại là 232 tỷ đồng là rất khó khăn.

Vì vậy, tỉnh Quảng Nam kiến nghị cho phép sử dụng nguồn ngân sách Trung ương đã giao cho tỉnh để thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng nhưng chưa giải ngân là 101 tỷ đồng để đảm bảo cân đối nguồn kinh phí hoàn thành mục tiêu hỗ trợ đối với người có công với cách mạng về nhà ở theo Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND tỉnh ngày 03/10/2019 của HĐND tỉnh đến hết năm 2021.

Ngoài ra, tỉnh cũng đề đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm đầu tư xây dựng Trường dạy nghề cấp Vùng theo tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển phục vụ cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Quảng Nam cần sớm giải quyết tồn đọng về chính sách người có công  - Ảnh 4.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Quảng Nam là địa phương có số đối tượng chính sách cao nhất nước. Vì vậy, những tồn đọng về chính sách người có công là không thể tránh khỏi. Với những trường hợp nào đúng, đủ hồ sơ thì phải giải quyết ngay. Hồ sơ nào còn thiếu thì thông báo ngay cho đối tượng biết để bổ sung, hoàn thiện trước trình lên cấp trên. Với những hồ sơ thất lạc hoặc thiếu người làm chứng, các địa phương cần tổ chức hội nghị, tham khảo ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng để có ý kiến cụ thể làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ. 

"Tôi còn nhớ, thời trẻ tôi đã nghe 1 người bạn giới thiệu rằng, Quảng Nam ra ngõ là gặp anh hùng, đi đâu cũng gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bây giờ chúng ta mới thấm đẫm điều này. Quảng Nam là tỉnh có bề dày lịch sử, có số đối tượng chính sách đông nhất nước. Thời gian qua, ngoài việc phát triển kinh tế, Quảng Nam đã rất chú trọng đến công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công. Tỉnh đã rất chu đáo trong việc chăm sóc mộ liệt sĩ, chăm sóc đối tượng người có công và đặc biệt là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ. 

Về đề xuất của tỉnh xin giữ lại 100 tỷ đồng để phục vụ cho việc cải tạo nhà ở cho người có công, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Quảng Nam cần làm ngay văn bản để Bộ có cơ sở trình Chính phủ xem xét. Về việc huy động nguồn kinh phí để cải tạo, mộ, nghĩa trang Bộ ghi nhận và bảo lưu kiến nghị này. Với những nghĩa trang có số tiền đầu tư lớn sẽ đưa vào mục đầu tư công, còn những nghĩa trang nhỏ Bộ sẽ xem xét hỗ trợ Quảng Nam. Về kiến nghị của tỉnh Quảng Nam muốn đầu tư Trường nghề trọng điểm cấp vùng và trung tâm cai nghiện về mặt chủ trương Bộ đồng ý và sẽ đưa vào kế hoạch trung hạn. 

Về việc kê khai, rà soát tồn đọng hồ sơ người có công theo Nghị quyết 23, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết cả nước có đến 61 ngàn hồ sơ tồn đọng. Riêng Quảng Nam còn 1.066 hồ sơ, trong đó có 950 trường hợp không đủ căn cứ xác thực, Bộ trưởng đề nghị: Tất cả các hồ sơ chưa có căn cứ xác lập, tạm thời khoanh lại. Còn những gia đình nào, thân nhân nào có đủ căn cứ thì chúng ta xem xét. Từ nay đến cuối năm Quảng Nam cần rà soát 116 trường hợp còn lại. "Tôi giao cho Sở LĐ-TB&XH phối hợp với cơ quan Công an, Bộ chỉ huy quân sự, tỉnh đoàn, Hội cựu chiến binh và Hội Cựu thanh niên xung phong phối hợp với Cục Người có công rà soát dứt điểm 116 trường hợp, cái nào đủ thì kiểm tra, xác minh và kết luận"-bộ trưởng chỉ đạo. 

Với 1 số trường hợp cụ thể, Bộ trưởng đồng ý và đề nghị tỉnh Quảng Nam làm hồ sơ trình ký ngay trong tháng này, thậm chí nếu đủ thủ tục có thể trình trước ngày 27/7.