Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung phát triển bao trùm toàn diện và bền vững cho giảm nghèo

(Dân sinh) - Sáng 22/12, tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh”.

Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo hội thảo. Tham dự Hội thảo có Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; lãnh đạo đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và lãnh đạo 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung phát triển bao trùm toàn diện và bền vững cho giảm nghèo - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao việc tổ chức hội thảo với chủ đề "Triển khai thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung phát triển bao trùm toàn diện và bền vững cho giảm nghèo - Ảnh 2.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội khẳng định: Hội thảo là sự chủ động phối hợp của Ủy ban các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ và tỉnh Thanh Hóa để triển khai chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nghị quyết số 88 của Quốc hội và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi. Đây cũng là sự lan tỏa kết quả Đại hội Dân tộc thiểu số toàn quốc vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Hội thảo thể hiện sự quan tâm đặc biệt với đồng bào dân tộc, công tác dân tộc, sự phát triển của miền núi, dân tộc thiểu số, biên giới. Riêng đối với Thanh Hóa, đây là sự kiện rất có ý nghĩa, cũng là tâm huyết của các thế hệ cán bộ lãnh đạo Thanh Hóa.

Toàn cảnh hội nghị

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nhấn mạnh: "Cần huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; phải thực hiện kinh phí công khai, minh bạch… Đặc biết cần chú ý đặc thù của 3 tỉnh đều là tỉnh có biên giới trên biển, trên bộ, đặc biệt có nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thông báo số 55-TB/TW ngày 20-4-2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An trong thời kỳ mới và chủ trương phát triển tỉnh Hà Tĩnh. Cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, phát huy các kinh nghiệm hay. Với quyết tâm chính trị cao, phấn đấu để thực hiện cho được mong muốn của Bác Hồ với tỉnh Thanh Hóa là: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu". Còn với tỉnh Nghệ An là: "Cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở Miền Bắc". Với tỉnh Hà Tĩnh là: "Xây dựng một tỉnh Hà Tĩnh tốt về mọi mặt".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung phát triển bao trùm toàn diện và bền vững cho giảm nghèo - Ảnh 4.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng quà cho trẻ em nghèo vượt khó 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung phát triển bao trùm toàn diện và bền vững cho giảm nghèo - Ảnh 5.

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam tặng quà cho Đảng viên cao tuổi tiêu biểu và hộ nghèo 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

"Sau Hội thảo này cần tổ chức thực hiện gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. 3 tỉnh sẽ có chương trình hành động cụ thể, khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót trong công tác dân tộc, miền núi, hướng về cơ sở. Nói đi đôi với làm, mà làm thật, để đồng bào tin, đồng bào yêu mến và làm theo. Muốn thực hiện được các yêu cầu rất cao đó, 3 tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các bộ, ban, ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào"- Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương thực sự quan tâm đến các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, chú ý đến các dân tộc còn rất ít người, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc thiểu số, chăm lo công tác phát triển Đảng là người dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung phát triển bao trùm toàn diện và bền vững cho giảm nghèo - Ảnh 5.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu bên lề Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết về những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam, đặc biệt là kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hết sức nổi bật.

"Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Chính phủ đã bố trí cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025. Phát động cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau" đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, là 1 trong 4 phong trào thi đua trọng tâm trong Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ đổi mới"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các địa phương trình bày tham luận tại hội thảo

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Riêng 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đề ra trong thời gian qua, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước giai đoạn 2016-2020, nhiều xã, huyện thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đây là thành tích rất đáng ghi nhận và biểu dương".

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết những khó khăn trong công tác giảm nghèo: "Bên cạnh những thành tích nêu trên, công tác giảm nghèo còn những hạn chế: kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58% tổng số hộ nghèo cả nước, chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều còn thấp, bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu; một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả".

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: "Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bao trùm đến năm 2030. Chương trình MTQG mới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm; nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực; tạo việc làm đầy đủ, việc làm tốt; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội toàn diện, đa tầng".

"Cần tận dụng mọi nguồn lực tập trung cho giảm nghèo, đặc biệt quan tâm đến nhà ở, đất sản xuất, tạo việc làm cho người dân, kết nối việc làm cho lao động là người dân tộc thiểu số, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Tiếp tục hỗ trợ lao động là người dân tộc thiểu số tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài. Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt là cần có Bản đồ quy hoạch chi tiết khu vực sạt lở, lũ lụt, tai nạn rủi ro do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn, an sinh cho người dân trong vùng này. Tập trung phát triển bao trùm toàn diện và bền vững trong công tác giảm nghèo. Quan tâm đến đào tạo kỹ năng lao động, mở rộng thị trường lao động, quan tâm an sinh xã hội bền vững, chú trọng đến công tác BHXH và y tế cho người dân. Đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng cho biết: "Trong giai đoạn 2016 – 2020, kinh tế tỉnh Thanh Hoá liên tục tăng trưởng ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 12,1%/năm, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011 - 2015; quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 131.199 tỷ đồng, gấp 1,77 lần năm 2015, đứng thứ 8 cả nước".

Bí thư tỉnh uỷ cho biết thêm: "Đặc biệt, trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19; nhưng năm 2020, Thanh Hóa đã thực hiện thắng lợi mục tiêu kép "Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội". Kinh tế duy trì đà tăng trưởng, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 6,08%; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng tăng khá so với cùng kỳ. Huy động vốn đầu tư cho phát triển tăng 12,5% so với cùng kỳ. Ngay sau khi Chính phủ dừng thực hiện giãn cách xã hội, Thanh Hóa đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020 với 34 dự án có tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 12,5 tỷ USD được ký Biên bản ghi nhớ đầu tư. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 28.967 tỷ đồng, đạt dự toán được giao".

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham luận được đại biểu các Bộ, ban, ngành và các địa phương tập trung thảo luận về công tác dân tộc, sự phát triển của miền núi, biên giới, công tác xóa đói giảm nghèo, vốn vay phát triển linh tế, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển lâm nghiệp....

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao tặng cho 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 300 suất học bổng cho trẻ em nghèo vượt khó; Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam tặng mỗi tỉnh 300 suất quà cho đảng viên cao tuổi tiêu biểu và 100 hộ nghèo.