Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm tiền hỗ trợ Covid-19

(Dân sinh) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Lao động- TB&XH Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương sớm giải quyết dứt điểm tiền hỗ trợ dịch Covid-19.

Cân đối nhanh các nguồn kinh phí để giải quyết cho các đối tượng

Cụ thể, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 vừa diễn ra sáng 16/7, sau khi các đầu cầu của các địa phương có ý kiến về việc giải quyết chế độ cho lao động sau dịch Covid -19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các địa phương cần giải quyết nhanh chóng, rốt ráo chế độ ưu đãi cho người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid- 19, cân đối nhanh các nguồn kinh phí để giải quyết cho các đối tượng đã đủ điều kiện được hưởng.

Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ chiều 15/7, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các đề xuất mở rộng đối tượng, giảm các điều kiện để có thêm nhiều người lao động, doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, trong đó có giáo viên tư thục.

Tại Hội nghị, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Bộ Lao động-TB&XH đã trình Chính phủ các chính sách hỗ trợ. Do các quy định ban đầu quá chặt chẽ, nên đến nay có rất ít doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn 16.000 tỉ (trong gói 62.000 tỉ).

Khi dịch bệnh tạm thời được khống chế, để hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn sớm khôi phục sản xuất, Bộ đã đề xuất với Chính phủ giảm một số điều kiện, thủ tục để các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn; mở rộng hỗ trợ đến người lao động là giáo viên các trường tư thục, kể cả trường nghề.

"Bộ sẽ nhanh chóng thảo luận với các Bộ, ngành liên quan để sớm nhất có hướng dẫn để các địa phương triển khai. Thời gian hỗ trợ cũng được kéo dài đến hết năm 2020', Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Không có báo cáo "cơ bản", mà phải "hoàn thành"

Ghi nhận, gói an sinh xã hội vừa qua chúng ta đã triển khai tương đối tốt, nhưng Bộ trưởng thẳng thắn nêu rõ, tại một số địa phương, việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 còn chậm.

"Tôi đồng tình việc hỗ trợ này "chưa có tiền lệ", nhưng nhiều địa phương thận trọng quá mức, rà soát đi, rà soát lại, vì sợ sai", Bộ trưởng nói và chia sẻ: "Sợ sai là tốt, nhưng chúng ta sợ quá mức dẫn đến trì trệ thì phải xem lại…"

Do đó, tới đây, với 6 nhóm đối tượng cơ bản, người đứng đầu ngành Lao động-TB&XH yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm, yêu cầu phải chi trả ngay cho 100% đối tượng trong diện được hưởng.

"Tôi không muốn các tỉnh để tình trạng có báo cáo: "cơ bản hoàn thành". Ở đây không có "cơ bản", mà phải trả lời là "hoàn thành", ông Dung nói.

Để đơn cử, ông chia sẻ, như mới đây, khi ông đi công tác tỉnh Bến Tre, ngoài việc nắm số liệu từ tài liệu của tỉnh, ông trực tiếp đến nhà dân, tiếp xúc với người dân, xem lại toàn bộ hồ sơ, và thực tế khẳng định 100% các đối tượng này đã được thụ hưởng.

Ông Dung cũng thông tin thêm, Hà Nội , TP. HCM các đối tượng cơ bản này cũng đã hoàn thành 100%.

Riêng việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động (gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng), Bộ LĐ-TB&XH sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ. 

 Theo đó sẽ đề xuất giảm các tiêu chí để doanh nghiệp vay vốn. "Tinh thần là tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, nhưng không để các vấn đề tiêu cực xảy ra", Bộ trưởng lưu ý.


Hà Tĩnh: Đã chi trả xong cho 99,14% tổng số đối tượng được phê duyệt

Tại Hà Tĩnh, tính đến nay, 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện chi trả cho 172.083 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 (chiếm 99,14% tổng số đối tượng được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách), tổng kinh phí chi trả 197,15 tỷ đồng (chiếm 99,16% tổng kinh phí được phê duyệt hỗ trợ).

Đối với 4 nhóm đối tượng còn lại (các đơn vị, DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; người lao động tạm ngừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh;

Người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm) hiện các địa phương đang rà soát, niêm yết danh sách ở cấp xã và tổ chức thẩm định ở cấp huyện.


Nghệ An: Đề nghị hỗ trợ cho 7.198 lao động từ gói 62.000 tỷ đồng

Ở Nghệ An, tính đến ngày 15/7/2020, toàn tỉnh có 13 huyện, thành, thị có tờ trình đề nghị hỗ trợ cho 7.198 đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19.

Trong đó, có 08 huyện đã gửi hồ sơ của 869 đối tượng về Sở Lao động- TB&XH để soát xét; UBND tỉnh đã Quyết định hỗ trợ cho 343 đối tượng đủ điều kiện với số tiền hỗ trợ 345 triệu đồng.

Quảng Trị: Sẽ hoàn thành việc hỗ trợ trong tháng 7

Tại Hội nghị trực tuyến, ông Phan Văn Linh - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị - cho biết, hiện tỉnh chưa hoàn tất việc hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, số lượng các đối tượng đã được lên danh sách đầy đủ.

Toàn tỉnh Quảng Trị có 147.193 người hoặc hộ kinh doanh được hưởng chính sách với số tiền đã chi 145,7 tỉ đồng. "Chúng tôi đặt mục tiêu đến hết tháng 7 này, việc giải ngân hỗ trợ cho các đối tượng sẽ thực hiện hoàn tất", ông Linh nói.

Đà Nẵng: Đã xử lý 13.011 hồ sơ của các đối tượng lao động

Tại Đà Nẵng, nhóm đối tượng người lao động bị chấm dứt Hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết Hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, theo tình hình thực tế khảo sát, Đà Nẵng có khoảng 24.000 người.

Tính đến ngày 15/7, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho hay, đã tiếp nhận và xử lý 13.011 hồ sơ của các đối tượng lao động.

Trong đó, có 687 người lao động tạm hoãn Hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương của 16 doanh nghiệp và hơn 12.000 người lao động chấm dứt Hợp đồng lao động, Hợp đồng làm việc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.