Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Khả năng chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn“

(Dân sinh) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2020 được duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tới hạn.

Khả năng chống chịu của doanh nghiệp đã tới hạn

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ trực tuyến tháng 4/2020 sáng nay 5/5, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, khi dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu và rộng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội.

Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp cùng nhân dân cả nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, "kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm 2020 được duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được giữ vững", ông Dũng cho biết và nhấn mạnh, tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch khiến khả năng chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tới hạn.

Để minh chứng, ông Dũng nêu con số cụ thể, theo kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ KH&ĐT có đến 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của đại dịch.

Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%, nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%.

Một số ngành tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%, đại lý du lịch là 95,7%, giáo dục và đào tạo là 93,9%.

Gói an sinh 62 nghìn tỷ: Triển khai trước 30/4, tạo không khí phấn khởi

Trong bối cảnh trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt.

"Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được triển khai trước ngày nghỉ 30/4 tạo không khí phấn khởi, góp phần đảm bảo cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng liên quan đến gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đang rất được người dân quan tâm này, tại điểm cầu Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, đến thời điểm này, tất cả các địa phương đều đã triển khai gói an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Khẳng định gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ là "một quyết định chưa có trong tiền lệ. Một quyết định thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa đảng với nhân dân", tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết, với khoảng 20.000 tỷ đồng đã được chuyển đến hỗ trợ người dân.

Theo đó, "đã có hàng trăm ngàn người già, người ốm đau, người bị suy giảm sâu về thu nhập, người lao động đứt bữa, người bán vé số được hỗ trợ để vượt qua khó khăn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Báo cáo nhanh của 40/63 tỉnh, thành cho biết khoảng 20.000 tỷ đồng đã được chuyển đến tay người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và dự kiến đến 15/5 việc chi trả cho nhóm người này sẽ kết thúc.

Xử nghiêm cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp

Cũng tại phiên họp, trình bày dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ trưởng KH&ĐT cho hay, dự thảo đã nêu rõ các giải pháp để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.

Về giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong năm nay khoảng 700.000 tỷ đồng, theo Thủ tướng, đây là vấn đề vô cùng quan trọng. “Các đồng chí phải xông vào trận, nếu có vướng mắc thì báo cáo kịp thời, bám ngày, bám đêm để triển khai cho được; không được để ngành nào, địa phương nào không giải ngân hết số vốn”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo đó, yêu cầu phải phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án.

Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

"Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; trường hợp kết quả giải ngân năm 2020 đạt dưới 100% thì không xét thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án và các cá nhân liên quan năm 2020", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nội dung dự thảo Nghị quyết.

Cũng theo ông Dũng, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ngoài các giải pháp về miễn, giảm, hoãn nộp, gia hạn tiền thuê đất, thuế, phí, lệ phí, giá… Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó, sẽ cắt giảm 30% kinh phí hội họp, đi công tác trong nước; 50% kinh phí đi công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.

Dự thảo cũng nêu rõ, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính còn chồng chéo, vướng mắc, không cần thiết trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan mình.

Có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cá nhân, tập thể suy thoái về đạo đức nghề nghiệp, cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu trong xử lý công vụ.

Đáng chú ý, tư lệnh ngành KH&ĐT nhận định, hiện nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn đi đôi với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Đồng thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách hỗ trợ tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định và Nghị quyết của Chính phủ; nghiên cứu, ban hành các chính sách mạnh hơn để hỗ trợ kịp thời, chính xác các đối tượng bị ảnh hưởng, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống nhân dân, người lao động cả nước, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội.

Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Những tháng cuối năm, dự báo kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề đặt ra là có điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 hay không?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có những đánh giá, phân tích thận trọng cả tình hình trong nước, quốc tế, nhất là liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

"Để có đầy đủ cơ sở nhận định, phân tích tình hình và dự báo kết quả thực hiện cả năm sát với thực tiễn, từ đó có những kiến nghị điều chỉnh phù hợp, cần có thêm dữ liệu về tình hình quý II và 6 tháng đầu năm 2020", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Do đó, ông Dũng đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tổng hợp, xây dựng các phương án điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 báo cáo tại phiên họp thường kỳ tháng 6 tới.