Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Không giảm biên chế kiểu cào bằng

(Dân sinh) - Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải pháp tối ưu nào để khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy không loại bỏ nhầm "người giỏi", giữ lại những người "kém đức", "kém tài". Về vấn đề này, ông Tân nói: Tôi thống nhất quan điểm không giảm biên chế kiểu cào bằng.


Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: không giảm biên chế kiểu cào bằng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Tinh giản biên chế cũng đạt được kết quả khả quan

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, hôm nay (7/11), Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau khi việc sắp xếp tổ chức bộ máy, nhiều bộ, ngành và địa phương đã tinh gọn và hạn chế sự chồng chéo, giao thoa. Bước đầu đã giảm được 4 tổng cục, 11 vụ, cục.

Số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì giảm nhiều. Tinh giản biên chế cũng đạt được kết quả khả quan, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cũng được nâng lên.

Về công tác cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng vì cán bộ là người xây dựng thể chế, chính sách, người tổ chức thực hiện và vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân. 

Vì thế, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ từ tuyển dụng bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo và thực hiện các chính sách cán bộ, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Bộ trưởng Nội vụ cũng khẳng định đã xử lý nghiêm các sai phạm về công tác cán bộ kỷ luật, kỷ cương hành chính ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, ông Tân cũng cho rằng, việc thể chế hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn chậm thiếu đồng bộ, chậm đưa các chủ trương nghị quyết vào cuộc sống.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: không giảm biên chế kiểu cào bằng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An)

Trả lời sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội về vấn đề xây dựng vị trí việc làm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng.

Ông Tân thông tin, Bộ Nội vụ đã đề nghị Thủ tướng phân cấp cho bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt Đề án vị trí việc làm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ chi thường xuyên. 

Sau khi phân cấp, các bộ, ngành, địa phương làm rất tốt nên đến nay, gần như bộ, ngành, địa phương đã làm tất các vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Vấn đề còn lại là xác định đề án vị trí việc làm như thế nào để phục vụ cho việc trả lương theo chính sách cải cách tiền lương.

Nói thêm về chính sách cải cách tiền lương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết Bộ Chính trị đã giao cho Ban tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì thực hiện xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng chức danh tương đương để trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp về vị trí việc làm, tổng hợp chức danh tương đương và thang bảng lương của các bộ, ngành để trình Bộ Chính trị cho ý kiến, làm cơ sở cho năm 2020 tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương 2021.

Ông Tân cho biết việc xây dựng đề án vị trí việc làm lần này làm kỹ hơn, dự kiến chia làm 4 nhóm để dễ xếp lương, khác với trước đây chia quá nhiều nhóm nên không thể cơ cấu tiền lương khác nhau được.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân: không giảm biên chế kiểu cào bằng - Ảnh 3.

đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang)

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề nghị Bộ trưởng Nội vụ cho biết có bao nhiêu bộ, ngành chưa giảm được biên chế và tinh gọn tổ chức, bộ máy? "Bộ Nội vụ đã giảm bao nhiêu đầu mối và bao nhiêu biên chế?", ông Cầu chất vấn.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, ông sẽ gửi văn bản cho đại biểu nêu rõ số lượng tinh giản của từng bộ. Riêng Bộ Nội vụ đã giảm từ 24 đơn vị trực thuộc xuống còn 23 đơn vị; giải thể trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ cũng giảm 14 phòng, hiện không có vụ nào còn phòng; giàm 19 đơn vị trực thuộc bên trong, giảm 3 đơn vị đào tạo...

Về biên chế, Bộ Nội vụ được giao năm 2015 là 639 người, đến nay đã giảm 76 biên chế, trên 10%. Mục tiêu chung đến 2021 các cơ quan chỉ cần giảm 10% nhưng Bộ Nội vụ đăng ký giảm 15%.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thông tin, Bộ Nội vụ là đơn vị đầu tiên trả lại trụ sở cũ (phố Nguyễn Bỉnh Khiêm) sau khi xây dựng đơn vị mới từ năm 2017.

Đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế: khả thi

Cho biết cử tri băn khoăn, lo lắng về tình trạng "giản những người tinh", đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải pháp tối ưu nào để khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy không loại bỏ nhầm người giỏi, giữ lại những người kém đức, kém tài .

Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói: Tôi thống nhất quan điểm không giảm biên chế kiểu cào bằng. Bộ Nội vụ vừa rồi giao biên chế năm 2019, trong đó tăng biên chế cho 3 đơn vị, giảm 6 đơn vị.

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ công việc hàng năm mà điều chỉnh. Thủ trưởng, người đứng đầu sẽ tự quyết định chứ không phải đơn vị nào, Vụ nào, Sở nào cũng đều giảm hết 2%.

Báo cáo thêm về tăng giảm biên chế, Bộ trưởng Nội vụ thông tin: Đến năm 2021, khả năng thực hiện giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong các cơ quan hành chính là khả thi.

"Hai năm vừa qua, Bộ Nội vụ đã cắt giảm biên chế ngay 2% mỗi năm. Riêng với viên chức hiện mới giảm được 4,26%", ông Tân cho biết.