Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Phòng chống thiên tai vì bình yên cho nhân dân

Với vai trò đặc biệt quan trọng trong cộng tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (BTL TĐHN), năm 2021, tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn TP. Hà Nội cơ bản ổn định, không xảy ra thiên tai lớn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân và lực lượng vũ trang. Tuy nhiên diễn biến thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn hết sức phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cháy rừng ở mức cao, bên cạnh đó, tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại.

Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động tham mưu và ban hành 69 văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện và báo cáo về công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Cán bộ, chiến sỹ Bộ tư lệnh Thủ đô tham gia phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều

Cán bộ, chiến sỹ Bộ tư lệnh Thủ đô tham gia phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều

Tham mưu với Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự TP. Hà Nội ban hành Chương trình công tác năm 2021, hướng dẫn, chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự 30 quận, huyện, thị xã thành lập Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ban hành quy chế hoạt động, đồng thời chỉ đạo, theo dõi các đơn vị này tổ chức hội nghị tổng kết công tác tìm kiếm, cứu nạn năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, tổng quân số hiệp đồng là 11.094 đồng chí và 322 phương tiện các loại. Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia xử lý 113 sự cố về thiên tai, hỏa hoạn, cháy rừng… với 5.397 lượt người và 359 phương tiện.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức luyện tập kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với tình huống, đặc điểm tình hình địa bàn. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, hồ, đập, trạm bơm và các công trình có nguy cơ mất an toàn trên địa bàn, bổ sung các vị trí xung yếu, lực lượng vào kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực cứu hộ, cứu nạn ở tất cả các cấp, luôn đảm bảo quân số, phương tiện trực cứu hộ, cứu nạn… qua kiểm tra, đánh giá, các đơn vị đã tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định. Đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế để rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành luyện tập các phương án phòng chống cháy nổ. tham gia đào tạo, huấn luyện nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho nhân viên điều khiển phương tiện thủy nội địa khóa 9 và khóa 17 do Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tổ chức. Thực hiện nghiêm túc chế độ bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, rà soát, sửa chữa hệ thống kho tàng cất giữ phương tiện nhằm đáp ứng yêu cầu công tác.

Phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, khi có tình huống xảy ra trên địa bàn nào, thì nơi đó phải thành lập ngay ban chỉ huy tại chỗ với thành phần là các thành viên trong ban chỉ huy PCTT, TKCN để trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng thực hiện nhiệm vụ, tránh sự rối loạn tại hiện trường. Huy động nhân dân tại chỗ, lấy lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, công an, dân phòng cùng lực lượng chuyên trách của các đơn vị làm nòng cốt để xử lý.

Cùng với đó, huy động và sử dụng các phương tiện của tập thể, cá nhân trên địa bàn với số lượng đã được bố trí sẵn theo phương án, đồng thời sử dụng cơ sở vật chất, hậu cần đã được chuẩn bị ở từng khu vực, từng hướng trọng điểm. Chủ động tổ chức, bố trí dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống, lều bạt, phao cứu sinh, tàu xuồng, để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trong một thời gian nhất định trước khi có lực lượng cơ động đến ứng cứu. Nhờ đó giảm giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trước các sự cố, thiên tai.