Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Vì sao những người già, có bệnh mãn tính lại dễ tổn thương bởi dịch bệnh Covid-19 hơn?

Tại sao không phải ai tiếp xúc với người dương tính với virus Covid-19 cũng đều bị nhiễm bệnh. Làm thế nào để có thể sống khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật?

Những ngày qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp. Các ca bệnh mới xuất hiện kéo theo nhiều người phải cách ly. Trong số những người thuộc diện tiếp xúc gần với bệnh nhân niễm Covid-19, có những người bị lây nhiễm và có biểu hiện bệnh rất nặng, những cũng có những người "lướt qua" bệnh tật nhanh chóng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, bệnh viện Nhi Đồng I, TP HCM chia sẻ với báo Sức khỏe và Đời sống, những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của mọi bệnh tật nói chung, bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID - 19 nói riêng, phần lớn là người cao tuổi, có vấn đề y tế tiềm ẩn, mang theo các bệnh lý nền như đái tháo đường hay cao huyết áp. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là những người trẻ và khỏe mạnh không gặp nguy cơ tử vong với dịch bệnh này.

Vì sao những người già, có bệnh mãn tính lại dễ tổn thương bởi dịch bệnh hơn? Bác sĩ Khanh giải thích, những nghiên cứu về bệnh đường hô hấp do virus khác cho thấy, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, phản ứng miễn dịch suy yếu hoặc đường thở đã bị tổn thương do bệnh lý, hút thuốc... Do đó các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập, tấn công vào các mô vốn đã tổn thương và gây hại nghiêm trọng hơn.

Làm thế nào để sống khỏe mạnh, không bệnh tật

Đại dịch Covid-19: Bs Trương Hữu Khanh giải thích vì sao có người lướt qua bệnh tật nhanh chóng có người lại tử vong, chìa khóa nằm ở 1 điều này - Ảnh 1.

Bác sĩ Khanh cho biết, trong cuộc sống hàng ngày chúng ta tiếp xúc trực tiếp với hàng trăm, hàng ngàn mầm bệnh từ vi khuẩn, vi trùng cho tới virus, nấm... Nhưng không phải tất cả đều có thể gây bệnh cho chúng ta. 

Cơ thể có những hệ thống phòng thủ tinh vi gọi là hệ miễn dịch. Vai trò hệ miễn dịch tạo đề kháng cơ thể trong phòng chống dịch bệnh rất quan trọng. Một người có cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt sẽ có thể "lướt qua" dịch bệnh nhanh chóng, dù có mắc bệnh thì mức độ tổn thương cũng sẽ rất nhẹ và mau hồi phục.

Khi dịch bệnh diễn ra chúng ta mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề vệ sinh, khẩu trang hay cố gắng tăng sức đề kháng thì đã hơi muộn. Nhưng vẫn là điều hoàn toàn đúng đắn và tốt. Tuy vậy, các thói quen tăng cường sức khỏe, củng cố hệ miễn dịch cần được xây dựng bền bỉ hàng ngày.

Các nhà nghiên cứu, bao gồm Trường Y tế Công cộng Harvard (Boston, Mỹ) và ĐH Khoa học Ứng dụng Amsterdam (Hà Lan), đã khẳng định năm thói quen lành mạnh sẽ giúp chúng ta sống thêm hàng năm không bệnh tật: không hút thuốc, chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh (BMI) từ 18 - 25, hoạt động thể chất từ mức độ trung bình đến mạnh mẽ ít nhất 30 phút mỗi ngày (như đi bộ nhanh), hạn chế uống rượu và chế độ ăn uống lành mạnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh dẫn chứng.

Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên rằng, kết hợp chế độ ăn uống vào lối sống lành mạnh, chúng ta sẽ tự động giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Chúng ta không có nghiên cứu chính xác để xác định chế độ ăn uống "tốt nhất" cho mọi người - nhưng "chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng là chìa khóa để sống một cuộc sống lành mạnh".

Ở mỗi lứa tuổi và từng giai đoạn của cuộc sống, không phải lúc nào cũng có kế hoạch, cũng có những lúc thăng trầm, cơ thể có thể yếu mệt. Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng để sống một cuộc sống tốt nhất có thể cho mọi người ở mọi lứa tuổi; là cách tốt nhất và đơn giản nhất để giúp cân bằng cơ thể, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch một cách hữu hiệu.