Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Bước vào tuổi trung niên, nơi nương tựa không phải cha mẹ anh em, mà là vợ!

Hãy đối xử tốt với vợ của mình, chỉ khi rơi vào khó khăn, mới nhận ra, quý nhân quan trọng nhất đời mình chính là vợ, người đáng để tin tưởng nhất chính là vợ, chỗ dựa an toàn nhất cũng chính là vợ.

Có người từng nói: "Đàn ông bước vào tuổi trung niên sẽ thường xuyên cảm thấy cô đơn. Bởi lẽ mở mắt ra, xung quanh toàn những người cần nương tựa, mà không có lấy một ai để họ dựa vào".

Nhưng cá nhân tôi thấy, đàn ông bước vào tuổi trung niên, sở dĩ cảm thấy cô đơn, đó là bởi họ không có sự tương tác, chia sẻ hay tâm sự với người vợ, không xem vợ là người bạn tâm giao của mình.

Một người đàn ông, khi gặp phải khó khăn, nếu biết chia sẻ với vợ, để vợ cùng san sẻ nỗi lo và cùng tìm ra cách giải quyết với mình, vậy thì họ sẽ không bao giờ cảm thấy cô đơn.

Vì công ty gần đây làm ăn không tốt nên T. luôn có cảm giác mình sẽ nằm trong nhóm nhân viên bị giảm tải, vì vậy bên cạnh công việc hiện tại, T. cũng đang không ngừng tìm kiếm việc làm. Nhưng chưa kịp tìm được công việc mới, đã nhận được thông báo mình nằm trong danh sách nhân viên bị giảm tải.

T. ngay lập tức nói với vợ việc này.

Trái với phản ứng thông thường của các bà vợ khác, vợ của T. không có phản ứng thái quá, cô nhẹ nhàng nói với anh rằng không sao, không phải quá lo lắng, về nhà rồi hai vợ chồng cùng bàn bạc.

Biết tin T. bị nghỉ việc, mặc dù trong lòng cũng có hoang mang và lo lắng, dẫu sao thì họ vẫn đang trả góp tiền nhà, nếu thu nhập xảy ra vấn đề thì quả thực sẽ rất khó khăn, nhưng cô không hằm hằm tỏ ra thất vọng hay trách mắng chồng.

Buông điện thoại xuống, trong lòng T. cảm thấy rất phức tạp, còn bao nhiêu thứ phải chi tiêu mà bỗng nhiên lại mất việc, áp lực và sự thất vọng cùng ập đến khiến T. vô cùng buồn bã.

Vợ vì lo T. nghĩ không thông, nên sau khi về nhà, cô vẫn tỏ ra vui vẻ, lạc quan, cùng chồng bàn bạc, đồng thời đưa ra cho chồng 4 lời khuyên, điều này khiến T. vô cùng khâm phục, và cũng giúp anh gỡ bỏ được kha khá áp lực.

1. Ngay lập tức thống kê tiền tiết kiệm của cả nhà

Sau khi T. bị sa thải, việc đầu tiên vợ anh làm là lấy ra tất cả các loại thẻ, thống kê xem cả nhà có bao nhiêu tiền, có đủ cho ít nhất là 6 tháng tới hay không.

Ngộ nhỡ không tìm được công việc phù hợp, tiền nhà và tiền sinh hoạt có thể dùng tiền tiết kiệm để đỡ.

Vợ T tổng hợp tiền của mình và của T. lại, may mắn họ vẫn đủ dùng hơn 6 tháng. Cứ như vậy, T. cảm thấy bớt áp lực, nhẹ nhõm đi rất nhiều.

Tất cả là nhờ vào thói quen chi tiêu tiết kiệm và biết cách quản lý tài chính của hai vợ chồng trước đó.

2. Nhờ HR tư vấn về kế hoạch tối đa hóa lợi ích bồi thường

Vợ của T. là một người thông minh, tháo vát, gặp chuyện không hoang mang, lúc mấu chốt luôn biết cách giữ được bình tĩnh. Sau khi biết tin chồng bị giảm tải, cô nhanh chóng liên lạc với một người bạn học làm HR của mình, nhờ tư vấn về việc bồi thường khi bị cho nghỉ việc, làm sao nói chuyện để có được lợi ích tối đa nhất.

Khi một nhân viên bị cho vào danh sách giảm tải, lúc này, không cần nói tới chuyện tình nghĩa nữa, phải nói chuyện tiền bạc.

Đòi một chút bồi thường, mới có thể bù đắp được những tổn thất của bản thân.

Bản thân vợ T. chưa từng trải qua trường hợp này, nên việc gọi cho một người có kinh nghiệm trong ngành là một phương án rất thông minh.

3. Tận dụng quan hệ, giới thiệu công việc thích hợp

Như đã nói, vợ T. có một người bạn làm HR, đằng sau có một mạng lưới quan hệ và nguồn lực kha khá, có lẽ sẽ có một vị trí công việc thích hợp cho chồng mình. Vậy là vợ T. nhờ người bạn đó giúp đỡ. Tuy rằng trong thời gian ngắn khó có thể tìm được công việc thích hợp, nhưng ít nhất cũng có một kênh móc nối.

Xã hội hiện đại, thời đại cởi mở, bị nghỉ việc cũng chẳng phải điều gì quá to tát, quan trọng là buông bỏ được sĩ diện của mình, nhờ người giúp cũng được, tự mình tìm cũng ok, quan trọng là vẫn luôn nỗ lực tiến về phía trước.

Chỉ cần đừng sống kiểu rõ ràng đã thất nghiệp, như ng không buông bỏ được sĩ diện, không muốn cho ai biết là mình đã thất nghiệp, vẫn cố tỏ ra bóng loáng trước mặt người khác dù phải đi vay để cầm cự qua ngày.

4. Mau chóng đòi những món nợ đã cho vay trước đó

Thân thiết với nhau sẽ khó tránh khỏi những lúc cần giúp đỡ. Hai vợ chồng T. lúc này mau chóng gọi điện thoại đòi lại tiền đã cho họ hàng hay bạn bè vay trước đó. Đòi được bao nhiêu thì đòi, vẫn tốt hơn là không có gì.

Sau chuyện này, T. cảm thán: Bất ngờ thất nghiệp, tôi mới nhận ra, đàn ông trung niên, chỗ dựa duy nhất của họ là vợ, chứ không phải cha mẹ hay anh em.

Bạn nói với cha mẹ anh em về chuyện mình thất nghiệp, cha mẹ sẽ chỉ thêm lo lắng, than ngắn thở dài, không giúp được gì nhiều cả, anh em thì ai cũng gia đình nhỏ và hàng tá chuyện cần phải lo lắng, làm gì còn thời gian đi lo lắng chuyện của người khác, dù có muốn cũng không thể đến nơi đến chốn được.

Trên mạng có một câu hỏi nhận được nhiều lượt chia sẻ rằng: Rốt cuộc anh chị em thân thiết hay vợ thân thiết.

Đáp án ai cũng rõ, tất nhiên là vợ.

Vợ, có thể cùng bạn vượt qua khó khăn, cùng bạn hứng mưa chịu bão. Đối với người phụ nữ mà nói, đau khổ nhất trong hôn nhân không phải là thất nghiệp, không có tiền, hay gặp phải khó khăn, mà là chồng đối xử với họ không tốt, khiến vợ buồn bã, thất vọng, đó mới là khó sống nhất.

Có người nói: "Sự tổn thương mà người đàn ông dành cho phụ nữ, không nhất định là việc họ yêu người phụ nữ khác, mà là họ khiến cho người mình yêu thất vọng trong mong chờ."

Đàn ông à, hãy đối xử tốt với vợ của mình, chỉ khi rơi vào khó khăn, mới nhận ra, quý nhân quan trọng nhất đời mình chính là vợ, người đáng để tin tưởng nhất chính là vợ, chỗ dựa an toàn nhất, cũng chính là vợ.