Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông

Ngày 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã ký quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Báo Giao thông đưa tin, tối 19/9 Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch  Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa ký Quyết định về việc tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 25km cửa biển, bờ biển và hơn 1,2km bờ sông sạt lở cần khẩn cấp xử lý, các vị trí sạt lở tập trung ở các xã: Đất Mũi, Viên An, Viên An Đông, Tam Giang Tây, thị trấn Rạch Gốc thuộc huyện Ngọc Hiển; xã Nguyễn Huân thuộc huyện Đầm Dơi; xã Tam Giang Đông, thị trấn Năm Căn thuộc huyện Năm Căn.

 Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - Ảnh 1.

Mỗi năm Cà Mau mất nhiều diện tích rừng do sạt lở bờ biển. (Ảnh CTV)

Những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư, các khu hành chính, công trình giáo dục, y tế, quốc lộ 2... và đai rừng phòng hộ, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Theo Dân Trí, ghi nhận của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, nhiều khu vực cửa biển, bờ biển sạt lở diễn biến phức tạp, đai rừng phòng hộ trung bình một năm mất từ 80m-100m, một số vị trí sạt lở đã khoét sâu, hở hàm ếch vào phía trong, làm mất từng mảng diện tích rừng rất lớn (có nơi trong 10 năm mất hàng trăm ha rừng).

Tình trạng sạt lở diễn ra đặc biệt nguy hiểm và liên tục, nhất là vào mùa mưa bão thì sạt lở càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp các cửa biển, gây ảnh hưởng đến các cơ quan hành chính, khu dân cư, công trình giao thông, trạm y tế, trường học, đường quốc lộ, hệ thống điện,…

 Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - Ảnh 3.

Tình trạng sạt lở bờ sông cũng xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến nhà cửa, tài sản, đời sống của người dân ở Cà Mau. (Ảnh: CTV)

Để thực hiện tình huống khẩn cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện bị ảnh hưởng khoanh vùng khu vực bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; Lựa chọn giải pháp và tổ chức khảo sát, lập các thủ tục đầu tư các dự án chống sạt lở trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án, trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Yêu cầu Uỷ ban nhân dân các huyện (Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi) có trách nhiệm vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cấm biển cảnh báo, rào chắn không cho phương tiện có tải trọng lớn, người không có trách nhiệm vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở để chủ động, kịp thời ứng phó.

 Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển Đông - Ảnh 4.

Khu vực bờ biển Tây vừa qua cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết. (Ảnh: CTV)

Trước đó, vào đầu tháng 8/2019, trước tình hình đê biển Tây bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nguy cơ dẫn đến vỡ đê, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng đã có quyết định tình huống khẩn cấp sạt lở đê biển Tây.