Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cà Mau: Nhiều cách làm linh hoạt để giảm nghèo bền vững

(Dân sinh) - Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhờ đó, kết quả giảm nghèo của tỉnh hàng năm đều đạt và vượt so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, tỉnh có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, tỉnh đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm đến người nghèo, hưởng ứng tốt phong trào ‘‘Cả nước chung tay vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau’’. Bởi đây là chính sách mang tính nhân văn, ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, được nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng mạnh mẽ.

Mô hình trồng màu của chị Phạm Như Ý ở ấp 13, xã Khánh An (huyện U Minh) cho thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng.

Mô hình trồng màu của chị Phạm Như Ý ở ấp 13, xã Khánh An (huyện U Minh) cho thu nhập hàng năm trên 50 triệu đồng.

Ủy ban Mặt trận, Ban Dân vận, các tổ chức chính trị - xã hội ở Cà Mau đã có cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác giảm nghèo. Trong số hơn hơn 2.290 mô hình được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng và nhân rộng trong 5 năm qua, có đến 573 mô hình về xây dựng nông thôn mới, 120 mô hình về phát triển kinh tế, 58 mô hình về giảm nghèo, 10 mô hình về xây dựng tổ hợp tác. Ủy ban Mặt trận Tổ Việt Nam tỉnh cũng vận động Quỹ ‘‘Vì người nghèo’’ trên 296 tỷ đồng, phần lớn được sử dụng vào việc xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, nhà ở, khoan giếng nước…, thực hiện các chương trình hỗ trợ khác cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã có cách làm linh hoạt, thiết thực trong chỉ đạo và phân công cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên trực tiếp phụ trách tại xã, phường, khóm, ấp và từng gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như tận dụng bờ liếp, vườn bỏ hoang để trồng rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi cá, gà, vịt, lợn... được xây dựng; việc đào tạo nghề, giải quyết việt làm được quan tâm nhằm tăng thu nhập cho người nghèo.

Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân còn duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cà Mau cho biết, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh đã chủ động các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm để triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững. Đơn cử là các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ phát huy nội lực, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; quan tâm nhân rộng các mô hình tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững ở cơ sở, xây dựng các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của phụ nữ và ưu tiên phát triển của địa phương.

Từ những mô hình thiết thực như trồng rau màu, trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản, chăn nuôi (lợn, gà, vịt...), tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, nuôi chim cút lấy trứng, nuôi chồn hương... cùng với triển khai có hiệu quả chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế lồng ghép với giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…, đã góp phần vào thành quả giảm nghèo chung của tỉnh.

Từ năm 2018 - 2021, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động và phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phấn đấu hàng năm mỗi Ban công tác Mặt trận, chi hội đoàn thể đảm nhận giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, toàn tỉnh có 2.975 trong số 3.902 hộ đăng ký giúp đỡ thoát nghèo bền vững; có 77/883 ấp, khóm xóa trắng hộ nghèo và 3 xã, phường không còn hộ nghèo, gồm: Xã Khánh Lộc thuộc huyện Trần Văn Thời, Phường 1 và Phường 2 thuộc thành phố Cà Mau.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn năm 2021 - 2025. Điều quan trọng là kết quả giảm nghèo phải bền vững, đi vào thực chất, không chạy theo phong trào, thành tích. Do vậy, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng nhóm đối tượng và có giải pháp phù hợp, linh hoạt trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đồng thời tập trung mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững; cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là chăm lo người có công với nước, người nghèo, đồng bào dân tộc dân tộc thiểu số, nơi có điểu kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, Dân vận, tổ chức chính trị - xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh. Cà Mau phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm là 0,5%, đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn không quá 1%.