Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cả nước chỉ còn 21 doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

(Dân sinh) - Tính đến hết tháng 22/08/2020, số lượng doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chỉ còn 21 doanh nghiệp, giảm 30% so cuối năm 2018.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu báo cáo của 24 doanh nghiệp, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp năm 2019 là 1.105.003 người, giảm 159.401 người (khoảng 12%) so với cuối năm 2018. Trong đó, số lượng người có phát sinh doanh thu, hoa hồng chiếm khoảng 50%.

Mặc dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.

Theo số liệu của 24 doanh nghiệp, tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2019 đạt hơn 1.661 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng chi trả (chiếm 35,77%) và thuế xuất nhập khẩu (chiếm 38,02%).

2Một trong các hoạt động đã được chú trọng đó là công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật bán hàng đa cấp.

Ở cấp Trung ương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) – Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan liên quan Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã hoàn thành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp và xử phạt 04 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là 1.810 triệu đồng.

Đồng thời, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 01 doanh nghiệp. Ở cấp địa phương, tổng số tiền phạt của các cơ quan quản lý tại địa phương là 1.139 triệu đồng.

Ngoài ra, Cục CT&BVNTD phối hợp các cơ quan quản lý liên quan khác đã thực hiện nhiều các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu hoạt động bán hàng đa cấp trái phép để nâng cao nhận thức đồng thời ngăn ngừa được các thiệt hại không đáng có cho người dân.