Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cả nước có 1.542 trẻ em mắc COVID-19

(Dân sinh) - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo số liệu của các Sở LĐ-TBX&H, số trẻ em mắc COVID-19 là 1.542 trẻ em chiếm 7% số ca nhiễm COVID-19 (F0), số trẻ em phải cách ly tập trung phòng COVID-19 (F1) là 4.809 trẻ em. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em là F0 và trẻ em cách ly tập trung cao nhất cả nước.

Đại dịch COVID-19 tác động đến trẻ em theo nhiều chiều cạnh. Theo đó, COVID-19 đe dọa sự sống còn và sức khỏe của trẻ em. Trẻ em có thể bị nhiễm COVID-19 cần phải điều trị và bị đe dọa về tính mạng. Việc quá tải của hệ thống y tế làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho trẻ em.

Cả nước có 1.542 trẻ em mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế đang chăm sóc một bệnh nhi nhiễm nCoV tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Cùng với đó, đại dịch làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn cho trẻ do bị tách rời khỏi cha mẹ, người chăm sóc. Hàng nghìn trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em phải đi cách ly tập trung. Trẻ em phải đi cách ly tập trung theo quy định không có cha mẹ, người thân đi cùng hoặc phải ở một mình do có cha mẹ điều trị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế tập trung phòng, chống lây nhiễm dẫn đến thay đổi về môi trường sống, thiếu sự chăm sóc thường xuyên của cha mẹ. Trẻ em phải đi cách ly tập trung không có cha mẹ đi cùng gây ra những gián đoạn trong sinh hoạt thường ngày, khiến các em bị cô lập, đối mặt với nguy cơ cao bị xâm hại, cũng như những áp lực khác ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ. Trẻ em cũng cảm thấy bị cô lập, căng thẳng tâm lý, không được cha mẹ chăm sóc và giám sát đầy đủ, đặc biệt nếu cha mẹ đang điều trị hoặc cách ly tập trung hoặc phải đi làm theo phương án "ba tại chỗ" không thể về nhà.

Đại dịch gây ra gián đoạn trong học tập và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng. Đặc biệt đối với trẻ em thuộc bậc tiểu học, do hạn chế về sức khỏe thể chất và kỹ năng sử dụng công nghệ, các em gặp nhiều khó khăn hơn khi phải tương tác học tập trực tuyến là chủ yếu. Việc học tập của nhóm trẻ em thuộc các hộ nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và nhóm trẻ em khuyết tật bị gián đoạn. Các em không có điện thoại, máy vi tính, kết nối internet để duy trì việc học tập trực tuyến. Những trẻ em bị mắc COVID-19, bị cách ly tại các khi cách ly tập trung theo quy định việc học tập cũng bị gián đoạn. Uớc tính có 4,4 triệu trẻ em bị gián đoạn giáo dục mầm non .

 Đồng thời, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần và sự an toàn của trẻ em khi tình trạng bạo lực, bóc lột và xâm hại trẻ em có nguy cơ gia tăng do giãn cách xã hội và suy thoái kinh tế, mất việc làm. Trẻ em đi cách ly y tế tập trung cũng dễ gặp phải các nguy cơ về xâm hại bạo lực. Trẻ em bị hạn chế trong việc trẻ em được vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội. Bị tai nạn thương tích do môi trường không an toàn, do thiếu sự trông giữ giám sát của cha, mẹ.

Cùng với đó, đại dịch làm ảnh hưởng lâu dài đến an sinh và sự phát triển của trẻ em do hàng triệu gia đình có trẻ em bị đe dọa về sinh kế có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái nghèo.