Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần cân nhắc khi chọn ngành “hot” xét tuyển đại học

Năm nay thí sinh được đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm giúp các em có những lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với một nhóm ngành sẽ có rất nhiều trường đào tạo, thí sinh nên cân nhắc các cơ sở đào tạo có ngành mình yêu thích để lựa chọn.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THTP năm 2022 tại Hà Nội.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THTP năm 2022 tại Hà Nội.

Không nên bỏ qua những ngành kén người học

Bên cạnh những ngành “hot” như kinh tế, công nghệ thông tin, nhóm ngành khoa học cơ bản như: Kỹ thuật địa trắc bản đồ, khoa học trái đất, khí tượng… luôn thiếu sinh viên trầm trọng.

Theo ThS Nguyễn Kim Chung, Phó trưởng Bộ phận tuyển sinh Trường Đại học Mỏ - Địa chất, càng những ngành kén người học, nhu cầu việc làm của xã hội càng cao.

“Với những chuyên ngành: Kỹ thuật trắc địa bản đồ, kỹ thuật trắc địa công trình, địa trắc học… sinh viên nghe tên đã sợ khó, sợ khổ. Trong khi các em chưa thật sự tìm hiểu kỹ về nó. Hơn nữa, kỹ thuật phát triển cho ra đời nhiều máy móc hiện đại, gần như thay thế, hỗ trợ chúng ta trong công việc. Dù nhà trường đã cam kết đầu ra, hoặc có những chính sách thu hút ưu đãi nhưng vẫn khó tuyển sinh. Trong khi nhu cầu về nhân lực của các ngành đào tạo này đang ở mức báo động”.

TS Tô Mạnh Cường, Trưởng Khoa Lý luận chính trị trường Đại học Thuỷ lợi cho rằng, các em không nên chạy theo xu hướng số đông mà nên tham khảo và tìm hiểu kỹ các chuyên ngành đào tạo phù hợp với sở thích và năng lực bản thân.

 

 Tránh chạy theo ngành “hot”

TS Vũ Đình Khoa, Trưởng khoa Quản lý kinh doanh trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, với một nhóm ngành sẽ có rất nhiều trường đào tạo, thí sinh nên cân nhắc cơ sở đào tạo có ngành mình yêu thích để lựa chọn. Thông thường những trường có truyền thống đào tạo, điểm sẽ ở mức ổn định và cao qua các năm. Với một số trường mới và mới mở nhóm ngành, điểm trúng tuyển ở mức thấp, các em cần cân nhắc về mặt đội ngũ, vật chất, chương trình đào tạo của từng trường.

Ngoài ra, nên tránh đăng ký theo phong trào. “Các em cân nhắc kỹ những ngành “hot”, nhưng phải tính đường dài sau 4 năm ra trường, bởi trước các em có rất nhiều anh chị tốt nghiệp ra trường, phải xem xét kỹ tránh lãng phí thời gian học”, thầy Khoa chia sẻ.

Xu hướng lựa chọn nguyện vọng của thí sinh theo nhóm ngành nghề “hot”, ngành nghề thời thượng hoặc theo cảm tính, theo TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Gia Định vẫn tồn tại. Thí sinh cần thận trọng và xem xét. Bởi việc đổ xô đặt nguyện vọng tại một vài ngành ở một số ít trường sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh và tỷ lệ chọi cao, cơ hội trúng tuyển vì thế cũng ít đi.

Theo các chuyên gia, thí sinh cần cân nhắc kỹ, không nên chạy theo những ngành “hot”.

Theo các chuyên gia, thí sinh cần cân nhắc kỹ, không nên chạy theo những ngành “hot”.

"Từ thói quen, sở trường tới sở đoản… chỉ bản thân thí sinh mới biết rõ nhất. Vì vậy, việc quyết định tương lai, chọn nguyện vọng, chọn nghề không ai khác phải do chính các em quyết định. Ngay cả chuyên gia về nhân sự cũng chỉ có thể đưa ra gợi ý nghề nghiệp. Do đó, chọn lựa ngành nghề để theo đuổi việc học, trau dồi tri thức, bản lĩnh nghề nghiệp phải do chính thí sinh cân đo, đong đếm và quyết định", TS Toàn đưa ra lời khuyên.

Theo quy chế, thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để đăng ký, điều chỉnh bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần từ nay tới 17h ngày 20/8. PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) tư vấn, thí sinh không nên đăng ký ngay mà cần tìm hiểu kỹ, để tránh sai sót, nhầm lẫn, nhưng không nên để sát nút thời gian hệ thống đóng lại. Ngoài ra, các em phải rà soát việc khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin về khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).