Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực

(Dân sinh) - Ngày 26/11, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị trực tuyến về Bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng. Cuộc họp có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà; Ông Marcoluigi Corsi, Phó Giám đốc Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á Thái Bình Dương, cùng đại diện của cơ quan chuyên ngành ASEAN, đại diện Văn phòng UNICEF tại các nước thành viên ASEAN, các tổ chức quốc tế và đối tác khác của ASEAN.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban thư ký ASEAN và UNICEF trong khuôn khô Kế hoạch công tác giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Thúc đẩy và Bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) trong bối cảnh ngày càng gia tăng nguy cơ trẻ em bị bắt nạt tại trường và trên mạng. 

Hội nghị với mục tiêu tăng cường nhận thức về tình hình bắt nạt trẻ em tại trường học và trên môi trường mạng hiện nay trên thế giới nói chung và tại các nước thành viên ASEAN nói riêng. Mặc dù các quốc gia thành viên đã có những nỗ lực về bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt nói chung và trên môi trường mạng, ASEAN cần cách thúc đẩy cách tiếp cận tổng thể, toàn diện và mang tính khu vực trong vấn đề này. Và phải nhấn mạnh vào trách nhiệm và sự tham gia của chính trẻ em trong các nỗ lực này.

Cần chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cũng như các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức phi chính phủ và dân sự đã dành sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và tài chính cho các hoạt động về thúc đẩy quyền của trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt tại trường và trên môi trường mạng nói riêng. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị tăng cường hợp tác giữa ACWC và các cơ quan chuyên ngành khác trong ASEAN, giữa các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới, hướng tới chấm dứt tình trạng trẻ em bị bắt nạt, bạo lực tại trường học và trên môi trường mạng, tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

Lên tiếng về tình trạng trẻ em bị bạo lực ngay trong trường học, nhiều em nhỏ đến từ các quốc gia ASEAN đều lên án mạnh mẽ hành vi này và mong muốn nhanh chóng được loại bỏ để trả lại môi trường học tập an toàn, lành mạnh.

Các em cho biết, tại trường học vẫn còn xảy ra tình trạng các học sinh đánh nhau. Một số khác lại bạo lực bằng tinh thần bạn như: Tẩy chay, không chơi cùng và ép người khác không chơi cùng; bêu rếu, nói xấu bạn… Cũng kể về câu chuyện bị bạo lực học đường, một đại biểu trẻ em khác cho biết đã từng bị bạn bắt nạt trên đường đến trường. Trong suốt thời gian đó, quãng đường từ nhà đến trường em cảm thấy quá dài và luôn lo lắng không biết làm thế nào để khỏi bị bắt nạt. 

Không chỉ đánh đập nhau mới là bạo lực trẻ em mà việc ngăn ngừa không cho ai chơi với nhau cũng là bắt nạt. Đây là vấn đề cần được loại bỏ để không trẻ em nào còn bị bắt nạt. Rất nhiều nạn nhân của các vụ bắt nạt không muốn ai biết vì mỗi lần muốn nói ra câu chuyện bị bắt nạt cảm thấy rất khó.

Uyển Nhi, 14 tuổi đến từ Đà Nẵng (Việt Nam) cho rằng: "Việc bắt nạt tại trường xảy ra giữa các học sinh khác nhau do cố tình và liên tục sẽ khiến các nạn nhân sợ hãi dẫn đến ảnh hưởng thể lực, trí lực và không muốn tiếp xúc với thế giới xung quanh. Em là trẻ em và em không muốn điều này".

Chia sẻ về câu chuyện bị bắt nạt trên môi trường mạng, Uyển Nhi kể câu chuyện thực tế của bạn em. Khi bạn của Uyển Nhi 12 tuổi, bạn của bạn ấy tạo nhóm chát và bạn ấy vào trong nhóm đó. Trong nhóm chát, bạn ấy bị bêu rếu, nói xấu. Việc bị bắt nạt không chỉ diễn ra trong nhóm chát, từ nhóm chát này không biết có chuyện gì xảy ra mà trên lớp bạn cũng không được tham gia vào hoạt động nào cùng bạn bè. Uyển Nhi cho rằng, bắt nạt trên môi trường mạng còn ghê gớm hơn bắt nạt ngoài đời bởi những hành vi bêu rếu nói xấu có thể là người nặc danh, không thể biết là ai.

Để phòng ngừa bị bắt nạt, Uyển Nhi cho rằng, trẻ em cần được tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức về phòng ngừa bạo lực. Muốn thế, giáo viên cần có hình thức tuyên truyền phù hợp cho mọi trẻ em. "Bởi phòng ngừa bạo lực cho bạn cũng là phòng ngừa cho chính mình vì thế chúng ta cần phải lên tiếng để chấm dứt bạo lực trẻ em", Uyển Nhi nói.