Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần có Trung tâm Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí

Ngày 5/11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”.

Lập trung tâm "Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí" - Ảnh 1.

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí”.

Giải pháp nào cho vấn đề bản quyền các tác phẩm báo chí? Để ngăn chặn các tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay, tại diễn đàn “Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí” diễn ra ngày 5/11, các đại biểu đều đồng thuận về việc các cơ quan báo chí cần có một trung tâm bảo vệ bản quyền.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử chia sẻ, một cơ quan báo chí không thể chống lại tình trạng vi phạm bản quyền mà cần có một bộ phận chuyên nghiệp. Bộ phận này phải gồm cả các chuyên gia pháp lý xử lý việc này. Tiếp theo, tiến tới hình thành một liên minh hoặc một trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí.

Cũng liên quan vấn đề bản quyền tác phẩm báo chí, Phó ban Kiểm tra VTV Nguyễn Thanh Vân cho biết, chỉ tính trong vòng 30 ngày gần nhất, các chương trình gameshow giải trí của VTV có 94.000 lượt vi phạm; các chương trình thiếu nhi có gần 50.000 lượt xâm phạm. Bên xâm phạm sử dụng chương trình của VTV phát lại trên các nền tảng khác, thu lợi nhuận kinh tế. Không chỉ vậy, bên xâm phạm còn lồng ghép sản phẩm của họ vào chương trình của VTV, việc xâm phạm tác quyền không đơn thuần chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn có yếu tố chính trị.

Theo đánh giá chung, tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí ở Việt Nam diễn ra công khai, phổ biến và hết sức phức tạp. 

Theo Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung, vấn đề xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí hiện rất phổ biến, công khai dưới nhiều hình thức như: Dẫn lại, trích nguồn... Việc vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí hiện để lại những hậu quả nghiêm trọng, cơ quan báo chí bị thất thu về mặt kinh tế, uy tín, thương hiệu, trong khi đó đối tượng xâm hại không phải đầu tư công sức mà vẫn ngang nhiên hưởng thành quả lao động của các đơn vị nắm bản quyền. Trong 7 năm, báo Tuổi Trẻ nhận được 350 công văn xin khai thác thông tin, nhiều nhất là các trang thông tin điện tử.

Trong khi đó, Thư ký tòa soạn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh Đinh Đức Thọ cho biết, báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh đang là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền tác phẩm báo chí diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Thông tin vừa xuất bản đã bị lấy lại, không xin phép. Có tác phẩm báo chí trên báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh phải đầu tư hơn 2 tháng để hoàn thành nhưng chỉ vừa xuất bản là đã có báo lấy lại nguyên văn.

Sáng lập viên trang thông tin điện tử VNBiz Lê Hồng Kỹ cho biết: “Bản thân doanh nghiệp có vi phạm bản quyền nhưng chưa đối mặt vụ kiện nào nhưng từ đầu 2020, nhận thấy rằng mô hình kinh doanh không thể dựa trên sự vi phạm nên đã chấm dứt sự xâm phạm. Chúng tôi hợp tác mua bản quyền thông tin trong nước và quốc tế phù hợp nhu cầu của chúng tôi”.

Ông Lê Hồng Kỹ đề xuất, muốn chống lại nạn xâm phạm bản quyền cần phải có một tổ chức chuyên nghiệp như cách một số hội ngành, nghề đã làm. Tổ chức bảo vệ tác quyền các tác phẩm báo chí có trách nhiệm thay mặt cơ quan báo chí, tác giả để làm việc với bên xâm phạm và xử lý các vấn đề phát sinh.

Đại diện một số cơ quan báo chí, cơ quan quản lý cũng có những đề xuất tương tự và nhận thức rõ về việc cần thiết thành lập một liên minh để bảo vệ tác quyền các tác phẩm báo chí.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo diễn đàn, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền ở báo in hiện nay rất ít nhưng báo điện tử rất nhiều và đang bị sao chép thông tin rất nhanh.

Để đưa ra giải pháp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, trước hết chính bản thân các cơ quan báo chí phải liên kết với nhau để thực hiện đúng quy định pháp luật. “Liên minh” này ngoài cơ quan báo chí còn phải có cơ quan quản lý, các doanh nghiệp công nghệ… Mỗi cơ quan đều có thế mạnh riêng, cần ngồi lại với nhau trên cơ sở hợp đồng chia sẻ quyền lợi. Nhưng cho dù có “liên minh” thì các cơ quan báo chí cũng phải có cơ chế tự bảo vệ mình trước tiên.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí phải hình thành bộ phận phát hiện, lưu vết để gửi về trung tâm. Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao các cơ quan báo chí hiện nay đã làm điều này.

Ngoài ra, các cơ quan phải thực hiện nghiêm, không vi phạm bản quyền của nhau để cùng đấu tranh với các trang thông tin điện tử vi phạm.