Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu xã hội

(Dân sinh) - Ngày 30/8, Truyền hình Thông tấn (TTXVN) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Nhân lực ngành chăm sóc 2020-2025” với sự tham gia của chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý. Các chuyên gia tham gia tọa đàm đều cho rằng, hiện nay nhu cầu nhân viên chăm sóc hiện nay rất lớn và nhân viên làm nghề cần phải đào tạo bài bản, chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

  Cần đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu xã hội ! - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia tọa đàm

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi (1999) lên 73,2 tuổi (2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050. Theo  Tổng cục thống kê, tính đến hết năm 2017, cả nước có trên 11 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng gần 12% dân số. Trong đó có khoảng gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên. Thậm chí đến năm 2038, nhóm cao tuổi ở Việt Nam sẽ chiếm đến 20% tổng dân số. Đến năm 2050, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già tương đương Nhật Bản, Hàn Quốc – các nước đang đứng đầu thế giới về số người già. Quá trình già hóa dân số, nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi ngày càng cao và là một thách thức rất lớn với hệ thống an sinh xã hội nói chung và hệ thống chăm sóc người cao tuổi nói riêng.

Theo bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc chương trình Chăm sóc viên (JHL Việt Nam) cho biết: Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu chăm sóc viên làm việc trong các bệnh viện, viện dưỡng lão tại nước ngoài, tiêu biểu như Nhật Bản, gia tăng nhanh chóng, trở thành một ngành có số lượng thực tập sinh được tiếp nhận hàng năm rất lớn. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đến năm 2023, đất nước này sẽ cần tới 50.000 hộ lý, điều dưỡng viên và chăm sóc viên. Các hộ lý/chăm sóc viên này sẽ làm việc theo các hợp đồng tối thiểu 3 năm với mức thu nhập lên tới 30 triệu đồng/tháng và được hưởng các chế độ khác theo luật lao động Nhật Bản.

Về nhu cầu trong nước, gần đây các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trong nước cũng bắt đầu tìm giải pháp nhằm giảm tải số lượng người nhà của bệnh nhân nằm nội trú. Thông thường, cứ mỗi một bệnh nhân nằm viện dài ngày thì phải có ít nhất 2 đến 3 người nhà thay phiên vào chăm sóc, thậm chí là 2 người chăm một bệnh nhân cùng lúc, dẫn đến tình trạng đông đúc, khó kiểm soát về vệ sinh và an ninh tại bệnh viện. Nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 như hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh tốn rất nhiều nhân lực vật lực để sàng lọc, hướng dẫn và giám sát người nhà bệnh nhân tuân thủ các quy định về giãn cách trong môi trường dễ lây nhiễm này. Từ đây các bệnh viện đã từng bước thuê ngoài những tổ nhóm nhân viên chăm sóc làm việc toàn thời gian. Những nhân viên chăm sóc này sẽ giúp bệnh viện chuyên nghiệp hơn, gọn gàng hơn và hiệu quả trong khâu chăm sóc bệnh nhân nội trú.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ cho rằng: Không chỉ có hệ thống các bệnh viện thiếu nguồn nhân lực chăm sóc viên, điều dưỡng. Mà nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong cộng đồng xã hội cũng rất lớn. Cho nên cơ hội việc làm cho nghề điều dưỡng còn rộng mở hướng phát triển với các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, gia đình... Việc kết hợp với bệnh viện, trường và doanh nghiệp tổ chức đào tạo ngắn hạn này là tốt đáp ứng nhu cầu xã hội.

  Cần đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu xã hội ! - Ảnh 2.

Nhu cầu về nhân viên chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng

Đứng trước nhu cầu của xã hội, từ cuối năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang phối hợp với Tập đoàn JHL Việt Nam để cùng hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng thuộc khối ngành sức khỏe trên cả nước xây dựng mô hình tuyển dụng, đào tạo và cung ứng chăm sóc viên cho thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý của người cao tuổi. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam.

Ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Nghề chăm sóc sức khỏe đào tạo ngắn hạn, độ tuổi cũng linh hoạt không chỉ dành cho thanh niên trẻ, mà có thể ở ngưỡng tuổi rộng hơn dành cho nhóm lao động nông thôn. Ở một số nước như Nhật Bản, Đức, họ có một mã ngành riêng cho nhóm đối tượng này nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, đào tạo bài bản, có các kỹ năng để phục vụ người bệnh. Còn ở Việt Nam không chỉ bệnh viện mà còn ở các trung tâm chăm sóc dưỡng lão, chăm sóc trẻ em đang rất cần nghề này. Mô hình đảm bảo tiêu chí đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội – đảm bảo lộ trình nghề nghiệp bền vững cho người lao động trong tương lai. Người lao động sẽ được hỗ trợ trong quá trình đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề chăm sóc viên. Sau khi kết thúc đào tạo sẽ được JHL Việt Nam bố trí việc làm trong nước tại hệ thống các bệnh viện đối tác như: Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Viện lão khoa trung ương… với mức lương từ 6,5 đến 10 triệu đồng/tháng (mức lương sẽ thay đổi theo thâm niên và tay nghề). Hoặc, lao động sẽ được phái cử sang Nhật Bản tiếp tục học tập nâng cao trình độ nếu có nguyện vọng với mức lương cơ bản trên 37 triệu đồng/tháng.

Ông Đào Trọng Độ cho rằng: Nghề nhân viên chăm sóc sức khỏe tiến tới chuẩn hóa đào đạo khi xã hội thừa nhận. Sau mô hình đào tạo chăm sóc viên hệ cơ bản, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm và lấy ý kiến từ đơn vị quản lý chuyên ngành, hiệp hội để tiếp tục nhân rộng mô hình. Số lượng vừa đào tạo theo mô hình này đáp ứng công việc ra sao để chuẩn hóa và mở rộng ngành nghề đào tạo mô hình xã hội cần trong năm 2021.