Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần Thơ: Thực hiện tốt công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động

(Dân sinh) - Trong những năm qua tỉnh Cần Thơ đã chú trọng công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động từ đó giúp nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (cơ sở sản xuất, kinh doanh) khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương, tạo công ăn việc làm cho người lao động và mang lại thu nhập cao.

Chú trọng công tác cho vay vốn

Thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và văn bản số 3798/NHCS-TDSV ngày 20/11/2015 của Tổng Giám đốc Ngân hành Chính sách xã hội; thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Cần Thơ đã phối hợp tốt với các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội triển khai có hiệu quả cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Video: Vườn mít của gia đình ông Nguyễn Văn Tập đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Nguồn vốn cho vay của chương trình đến nay đạt 327 tỷ đồng, tăng 307 tỷ đồng so với năm 2003 (tăng bình quân gần 20 tỷ đồng/năm); trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 49 tỷ đồng (nguồn vốn do Uỷ ban nhân dân thành phố quản lý là 46 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương Hội quản lý là 3 tỷ đồng), nguồn vốn Ngân hành Chính sách xã hội huy động là 115 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách địa phương (thành phố và quận, huyện) là 163 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác của các tổ chức khác là 1 tỷ đồng.

Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ viên chức toàn chi nhánh, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ khi thành lập chi nhánh đến nay đã góp phần tích cực trong việc tạo việc làm cho hơn 24.000 lao động, trong đó giải quyết, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.200 lao động để thực hiện dự án phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn chợ nổi Cái Răng; đặc biệt là thông qua chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã giúp cho 114 đối tượng là người khuyết tật được vay vốn tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần và hòa đồng cùng xã hội.

Tạo việc làm cho người lao động

Cần Thơ: Thực hiện tốt công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động - Ảnh 3.

Người lao động đang làm việc tại cơ sở may mặc của chị Trinh.

Được vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động, chị Phạm Thị Tuyết Trinh (39 tuổi, phường An Thới Đông, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) từ một công nhân may mặc ở TP. Hồ Chí Minh đã về quê vay vốn (50 triệu đồng) từ năm 2008 để mở cơ sở may mặc đồ bảo hộ, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình và người lao động địa phương. Cụ thể, hiện nay cơ sở may của chị Trinh đã tạo việc làm cho 12 lao động chính và 8 người lao động gia công. Trung bình tạo thu nhập cho mỗi lao động từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Cần Thơ: Thực hiện tốt công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động - Ảnh 4.

Từ vốn vay, gia đình bà Thủy đã mua giống trồng vườn dừa đem lại thu nhập ổn định.

Bà Lê Thị Thanh Thủy (tổ 6, khu vực Thới An, phường Thới Đông, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) vay vốn sản xuất từ năm 2018 với số tiền 50 triệu đồng để góp vào số tiền mua cây giống. Ban đầu gia đình bà trồng 100 cây dừa quả, đến nay toàn vườn đã lên đến 200 cây dừa (trong đó 150 cây đã có trái). Hiện nay thu nhập bình quân mỗi tháng từ vườn dừa khoảng 7 đến 10 triệu đồng.

Cần Thơ: Thực hiện tốt công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động - Ảnh 5.

Vườn mít của gia đình ông Tập thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Cũng khởi nghiệp thành công từ mô hình trồng vườn nhờ được vay vốn từ Quỹ quốc gia tạo việc làm cho người lao động, ông Nguyễn Văn Tập (sinh năm 1966, tổ 6, khu vực Thới Thạnh, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) Tiến hành trồng 350 cây mít (hiện nay đã có 150 cây cho thu nhập), trung bình mỗi trái mít bán ra thị trường với giá từ 400.000 đồng đến 700.000 đồng. Tổng thu nhập từ vườn mít của gia đình ông Tập trung bình mỗi năm cũng trên 200 triệu đồng.