Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần Thơ và ĐBSCL: Giải quyết tốt “điểm nghẽn” lớn nhất là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đào tạo nhân lực

(Dân sinh) - "Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đào tạo nguồn nhân lực, vốn được coi là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của Cần Thơ và vùng ĐBSCL; thu hút doanh nghiệp để gắn việc đào tạo với sản xuất và thu hút nguồn lao động tại địa phương, tránh việc di chuyển lao động sang khu vực khác gây ra nhiều vấn đề về xã hội như hiện nay", ông Nguyễn Văn Bình lưu ý.

Thu hút doanh nghiệp để thu hút lao động tại địa phương

Tại hội nghị "Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ban Kinh tế trung ương phối hợp Thành ủy Cần Thơ tổ chức ngày 23/5, ông Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Kinh tế trung ương, lưu ý trong phát triển bất cứ lĩnh vực nào của Cần Thơ đều phải gắn với biến đổi khí hậu. 

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, Cần Thơ đã đạt được các kết quả to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực từ phát triển kinh tế xã hội tới đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh nhưng điểm đã đạt được, Cần Thơ chưa hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp và trung tâm của vùng ĐBSCL như Nghị quyết đã đề ra.

Về định hướng phát triển Cần Thơ thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị phát triển Cần Thơ không thể tách rời và cần gắn chặt với vùng ĐBSCL; phát triển Cần Thơ phải vì vùng ĐBSCL và vùng ĐBSCL vì Cần Thơ, từ đó xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm vùng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị phát triển cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tăng cường kết nối với các địa phương; phát triển công nghiệp cần lựa chọn lĩnh vực phù hợp với đặc thù của thành phố, vừa phù hợp với tư cách là một trung tâm của vùng.

Cần Thơ và ĐBSCL: Giải quyết tốt “điểm nghẽn” lớn nhất là mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đào tạo nhân lực - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị

Cùng với đó, phát triển Cần Thơ trở thành trung tâm cung cấp các dịch vụ và giải pháp khoa học công nghệ có giá trị gia tăng cao cho vùng trên mọi lĩnh vực đặc biệt về nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo; tận dụng nguồn lực nội tại về đất đai và con người đang nằm trong nông nghiệp hiện nay để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên này phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ nhằm phát triển Cần Thơ tới 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại theo xu hướng phát triển chung của cả nước.

Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đào tạo nguồn nhân lực, vốn được coi là điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của Cần Thơ và vùng ĐBSCL; thu hút doanh nghiệp để gắn việc đào tạo với sản xuất và thu hút nguồn lao động tại địa phương, tránh việc di chuyển lao động sang khu vực khác gây ra nhiều vấn đề về xã hội như hiện nay.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 0,66% vào cuối năm 2019

Ông Nguyễn Hồng Sơn, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho rằng ĐBSCL hiện tại có 3 vấn đề chính đang phải đối mặt.

Cụ thể, thứ nhất là logistics yếu kém, xuất khẩu hàng hóa phải "mượn đường" (qua TP.HCM) hoặc đi lòng vòng khiến chi phí cao. Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực còn yếu kém, tỉ lệ qua đào tạo của vùng chỉ đạt 13% (bình quân cả nước 21%), Thứ 3 là tác động của biến đổi khí hậu với các ngành, đặc biệt là ngành nông nghiệp.

"Cần Thơ hoàn toàn đóng vai trò hỗ trợ và giải quyết tất cả vấn đề này. Nếu được thì nghiễm nhiên Cần Thơ sẽ là trung tâm vùng, dẫn dắt và thúc đẩy toàn vùng", ông Sơn nói.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung cho biết, đến nay, nhiều mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết 45 đã được triển khai thực hiện đạt kết quả quan trọng. 

Kinh tế thành phố tăng trưởng khá, giai đoạn 2006 - 2019 đạt mức bình quân 7,23%/năm, cao hơn mức tăng trung bình cả nước; năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 7 lần so với năm 2005; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 88,3 triệu đồng, tăng 7 lần so với năm 2005; ngân sách cân đối và có điều tiết về Trung ương; quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng. 

Văn hóa - xã hội đạt nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long ở một số lĩnh vực như: giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học - công nghệ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 0,66% vào cuối năm 2019, đạt mức thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Chiều cùng ngày, đ/c Nguyễn Văn Bình đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45 để tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp của các ban, bộ, ngành và địa phương nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện các dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết chuẩn bị trình báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển Thành phố Cần Thơ tới 2030, tầm nhìn 2045.