Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi

Ngày 21/1/2022, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển.

Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một trường chuyên
Báo cáo tóm tắt công tác triển khai Quyết định số 959/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, hệ thống trường chuyên được củng cố và phát triển; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có ít nhất một trường chuyên.

Từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020 đã tăng lên thành 77 trường, đảm bảo mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có ít nhất một trường chuyên, có nơi có 2 trường chuyên phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển của địa phương. Quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc.

Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia từ 21 trường năm 2010 lên 60 trường chuẩn năm 2020 và có chất lượng giáo dục cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của các trường chuyên từng bước được tăng cường.

Bên cạnh đó, các tỉnh đều có quy định về chính sách đặc thù để thu hút giáo viên về dạy trường chuyên, đảm bảo yêu cầu số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp; tăng cường đầu tư kinh phí cho việc bồi dưỡng, phát triển chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trường chuyên.

“Chất lượng giáo dục đại trà được cải thiện rõ rệt. Tỉ lệ học sinh giỏi của trường chuyên trong cả nước tăng dần qua các năm, năm 2020 tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Đối với giáo dục mũi nhọn, trong các năm gần đây, số lượng và chất lượng giải quốc tế của học sinh Việt Nam đã có được sự chuyển biến rất tích cực. Năm 2020, 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay.    

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, mặc dù mô hình hoạt động của trường chuyên trong 10 năm qua, hệ thống trường chuyên còn bộc lộ một số hạn chế như: Một số tỉnh chưa đạt mục tiêu về quy mô học sinh. Tỷ lệ trường chuyên chưa đạt chuẩn quốc gia vẫn còn khá cao. Trình độ về ngoại ngữ của giáo viên chuyên và cán bộ quản lý hiện nay chưa thể đáp ứng và theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế.

Ở một số nơi vẫn đang coi nặng việc tổ chức bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, chưa tăng cường nhiều cho học sinh thêm các kỹ năng thực hành, thí nghiệm, nghiên cứu khoa học và các kỹ năng mềm khác. Các chương trình tiên tiến của nước ngoài để đưa vào nhà trường tham khảo còn khiêm tốn. Việc tổ chức dạy học thí điểm các môn khoa học bằng tiếng Anh còn hạn chế. Liên thông giữa trường chuyên và đại học chưa sâu rộng.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020.

Hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các địa phương đều khẳng định vai trò, ý nghĩa của đề án phát triển hệ thống trường chuyên. Ông Phạm Duy Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay, từ một trường quy mô nhỏ, sau 10 năm Trường THPT chuyên Bắc Kạn đã thay đổi gần như toàn bộ với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn, phòng ngoại ngữ, phòng đa năng… Số lượng học sinh của trường so với năm 2010 đã tăng đến 50%. Chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, trong đó học sinh giỏi quốc gia tăng dần qua các năm.

Nhìn lại kết quả sau 10 năm phát triển của Trường THPT chuyên Nguyễn Du, tỉnh Đắk Lắk, Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, với những nỗ lực của trường chuyên, kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia trong những năm qua của tỉnh xếp thứ hạng đáng tự hào trong số 63 tỉnh, thành của cả nước.

Kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới của hệ thống trường chuyên, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng đề xuất: Bộ GD&ĐT sớm có định hướng phát triển trường THPT chuyên giai đoạn tiếp theo. Có giải pháp để tăng cường kết nối hơn nữa giữa trường chuyên với các trường đại học hàng đầu. Có cơ chế chính sách huy động các nguồn lực hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển trường chuyên.

 

Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Nhờ có hệ thống trường chuyên các tỉnh miền núi khó khăn mới phát hiện, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi, đó chính là sự công bằng trong giáo dục.

“Hệ thống trường chuyên phải được khẳng định hơn nữa trong xã hội”, chia sẻ điều này, ông Nguyễn Vinh Hiển đồng thời nhìn nhận, thời gian qua, hệ thống trường chuyên đã có nền tảng đào tạo tốt, nhưng chưa có tiếng nói đầy đủ. Cần phải có thống kê trong hệ thống trường chuyên để biết các em học sinh chuyên thành người như thế nào, ra đời phục vụ đất nước ra sao. Nếu không có trường chuyên đội ngũ nhân lực chất lượng cao sẽ khó phát triển”, ông Hiển nhấn mạnh.

Phát triển trường chuyên không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, Đề án đã có tác động điều chỉnh về nhận thức của xã hội đối với hệ thống trường chuyên và việc bồi dưỡng nhân tài. Quá trình thực hiện Đề án cũng là quá trình lãnh đạo các địa phương quan tâm hơn đến công tác bồi dưỡng nhân tài, gia tăng chất lượng đào tạo tại địa phương thông qua đầu tư phát triển hệ thống trường chuyên. Đề án trường chuyên còn là cú hích để các địa phương, đơn vị đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, góp phần gia tăng chất lượng đội ngũ không chỉ cho trường chuyên mà còn cho hệ thống giáo dục phổ thông nói chung.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý: Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý: Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi.

“Học sinh các trường chuyên đã đạt được rất nhiều kết quả trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, là nguồn tuyển rất tốt cho bậc đại học, cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao. “Có thể nói Đề án "Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020" đã trở thành cú hích, đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, mà trực tiếp nhất là giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim sơn, một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên. Cần tránh quan điểm coi trường chuyên là để có học sinh giỏi, có các giải thưởng, các huân huy chương… mà cần có quan điểm đúng về phương diện đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và lấy đó làm trọng tâm trong phát triển.

“Quyết không chạy theo thành tích, ứng thí, huân huy chương, câu chuyện học thật, thi thật, nhân tài thật triển khai đầu tiên phải là ở các trường THPT chuyên. Tuyển sinh trường chuyên mà ở đó không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp. Nếu vào học không phù hợp sẽ là nỗi khổ của học sinh, nỗi vất vả của thầy cô và nỗi lo của xã hội. Phải tránh tiêu cực trong tuyển sinh, tránh ngồi nhầm trường. Nhân tài không phải là câu chuyện của nhiều người nên phải có cách thức phù hợp”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý.