Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cảnh báo sốc kháng sinh ở trẻ nhỏ

(Dân sinh) - Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM vừa cấp cứu điều trị thành công một trường hợp phản vệ độ IV sau tiêm kháng sinh Cefotaxim, một trong những kháng sinh điều trị các bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ em.

Thông tin từ khoa Nhiễm và khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi đồng TP. HCM cho biết, tuần qua bệnh viện vừa cấp cứu điều trị thành công cho một trường hợp phản vệ độ IV sau tiêm kháng sinh Cefotaxim, một trong những kháng sinh đầu tay điều trị các bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ em.

Trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi được đưa đến khoa Nhiễm trong bệnh cảnh viêm tiểu phế quản bội nhiễm, theo dõi viêm màng não. Bé được chỉ định tiêm kháng sinh Cefotaxim để điều trị.

Tuy nhiên, 2 ngày tiêm trước tình trạng sức khỏe bệnh nhi ổn định, nhưng đến ngày tiêm thứ 3, sau khi tiêm thuốc vài phút, bé đột ngột tím tái, ngưng tim ngưng thở, ngay lập tức khoa Nhiễm đã huy động toàn bộ bác sĩ, điều dưỡng tiến hành cấp cứu phản vệ cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã sử dụng adrenaline - một loại thuốc quan trọng hàng đầu để xử lý cho những bệnh nhân bị phản vệ. Tiếp đó, bệnh nhi được đặt ống nội khí quản giúp thở, tiêm truyền nhiều loại thuốc hồi sức tích cực. Những nỗ lực của bác sĩ giúp bệnh nhi dần vượt qua giai đoạn sốc, các chỉ số sinh hiệu tạm ổn định, được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Chống độc để tiếp tục điều trị.

Cảnh báo sốc kháng sinh ở trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Hiện bé đang được tập ăn sữa qua đường miệng, sức khỏe bình phục tốt.

Sau 3 ngày điều trị bé đã được cai máy thở, tập ăn sữa, sinh hiệu ổn định và các chỉ số xét nghiệm về bình thường. Được biết, đây là trường hợp sốc phản vệ rất nặng (độ IV) đã may mắn được các bác sĩ nhận định đúng, điều trị kịp thời, thoát khỏi nguy cơ tử vong "trong gang tấc".

Tiêm thuốc kháng sinh vẫn được các thầy thuốc đánh giá cao khi có đúng chỉ định vì tác dụng nhanh và hiệu quả cao, do ưu điểm là thuốc sẽ được hấp thụ trực tiếp và trọn vẹn vào máu, như vậy, thuốc không qua hệ tiêu hóa nên không bị dịch tiêu hóa chuyển hóa. Thuốc sẽ càng có tác dụng hơn khi tiêm truyền tĩnh mạch dung dịch thuốc kháng sinh sẽ nhanh chóng đến ổ nhiễm khuẩn..

Mặc dù không y bác sĩ hay người bệnh nào mong muốn bị tác dụng phụ khi tiêm thuốc kháng sinh, nhưng rủi ro đến chúng ta vẫn phải chấp nhận và có những hiểu biết cơ bản để hạn chế các nguy hiểm. Trước tiên, mỗi người cần phải nắm bắt những dấu hiệu của sốc phản vệ sau khi tiêm thuốc kháng sinh và đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có dấu hiệu bệnh người nhà cần đưa đến bác sĩ và tuân thủ các chỉ định sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc cho con khi chưa có sự tham vấn ý kiến của nhân viên y tế. Đặc biệt trên các bệnh nhân có tiền căn dị ứng thuốc cần phải thông báo đến nhân viên y tế để có hướng điều trị phù hợp, tránh những tình huống nguy cấp đáng tiếc xảy ra.