Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cảnh giác với chiêu lừa đảo ''khóa thuê bao điện thoại''

Ngày 29-9, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng phát đi thông tin cảnh báo về hình thức lừa đảo "khóa thuê bao điện thoại" trên địa bàn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo cán bộ nghiệp vụ của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Đà Nẵng, việc đầu tiên là đối tượng tiếp cận bằng cách liên tục thực hiện cuộc gọi thoại thông báo tới số máy người dùng các thông tin không có thật, rằng họ sẽ bị cắt dịch vụ sau 1-2 giờ. Để giải quyết, xử lý sự cố thì chủ thuê bao phải liên hệ tới số điện thoại "tổng đài" do đối tượng cung cấp.

Khi người dùng gọi lại số "tổng đài", đối tượng sẽ nhanh chóng khai thác, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân... để được hỗ trợ kỹ thuật. Khi đã nắm được thông tin cá nhân, các đối tượng ngay lập tức hướng dẫn người dùng làm các bước tiếp theo như thực hiện cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi và chiếm quyền.

Kể từ lúc này, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội... của người dùng và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận thông báo mã OTP. Từ đó dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.

Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo thủ đoạn này thực tế đã có từ lâu, nhưng liên tục được thay đổi kịch bản khiến người dùng không lường trước, người dân cần hết sức cảnh giác.

Cụ thể, trước đây, kịch bản phổ biến là "thông báo người dùng gây tai nạn ở Đà Nẵng", "đang bị điều tra vì liên quan đến vụ án nghiêm trọng" hay "đổi sim 4G". Đến nay là chiêu dọa khóa thuê bao, vì thuê bao điện thoại cũng là một trong những tài sản quan trọng của người dùng, nên việc “bị khóa” sẽ làm nhiều người lo lắng. Các cuộc gọi thường được thực hiện bởi một đầu số từ nước ngoài, thay vì "+84" của Việt Nam.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo bất kỳ yêu cầu nào của các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo như đã nói ở trên. Cùng với đó, lưu lại bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi và phản ánh tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để xử lý.

Để bảo mật thông tin, tránh các cuộc gọi lừa đảo tiếp cận thì người dân không nên công khai thông tin cá nhân trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác, đồng thời không nên làm theo yêu cầu của người lạ như: Tải đường dẫn về cài đặt, đăng nhập thông tin, tài khoản ngân hàng... nhằm tránh bị tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.