Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cảnh giác với tâm lý "bình thường cũ"

(Dân sinh) - Tại Việt Nam, đến hôm nay đã 69 ngày không ghi nhận ca bệnh Covid-19 ngoài cộng đồng, nhịp sống xã hội về cơ bản đã trở lại bình thường.

Nhưng qua quan sát thực tế, mặc dù chủ trương của Chính phủ là thiết lập trạng thái "bình thường mới" với mục đích kiểm soát chặt chẽ và ngăn ngừa kịp thời nguy cơ lây nhiễm Covid-19 thì mọi chuyện lại dường như đang chuyển sang trạng thái… "bình thường cũ". Ở một số tỉnh, thành, người dân đã có biểu hiện chủ quan, lơ là phòng chống dịch.

Cảnh giác với tâm lý "bình thường cũ" - Ảnh 1.

Cảnh giác với tâm lý "bình thường cũ"

Điều này thể hiện rõ tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh những ngày cuối tuần qua. Tại những tụ điểm rất đông người tụ tập như các tuyến phố đi bộ hay chợ, số người đeo khẩu trang thường chỉ chiếm không quá 10%. Nhiều siêu thị mặc dù bảo vệ ở cổng yêu cầu người vào mua hàng phải đeo khẩu trang nhưng khi đã vào bên trong thì hầu hết đều… tháo ra.

Tại Hà Nội, tình hình cũng tương tự khi ở các tuyến phố đi bộ, mặc dù cơ quan chức năng để biển "Bắt buộc đeo khẩu trang khi vào phố đi bộ" nhưng phần lớn người dân vẫn thản nhiên kéo nhau vào phố mà không đeo khẩu trang.

TP. Đà Nẵng - "tâm dịch" của đợt dịch thứ 2 vừa qua, dường như nhiều người dân đã nhanh chóng quên đi cảm giác căng thẳng, ngột ngạt của những ngày phong tỏa, cách ly, khi rất nhiều người dân không đeo khẩu trang khi ra đường hoặc đến các tụ điểm công cộng, bình xịt sát khuẩn để khắp nơi nhưng cũng không mấy ai ngó ngàng. Nguyên tắc "5K" của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) không còn được tuân thủ nghiêm ngặt như những ngày đầu sau tháo dỡ phong tỏa.

Việc chính quyền Campuchia tái kích hoạt các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch cho thấy tình hình dịch ở nước này có những diễn biến mới phức tạp. Ở ngay liền kề Campuchia, Việt Nam là nước có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp khi lượng người qua lại biên giới hằng ngày khá lớn, trong đó không ít đối tượng đi qua các đường mòn, không được kiểm soát bởi các cơ quan chức năng nên nguy cơ dịch xâm nhập qua đường biên giới không phải là không có.

Bài học đau xót từ vụ dịch bùng phát ở Đà Nẵng, sau đó nhanh chóng lây lan sang nhiều địa phương khác hồi tháng 7 vẫn còn rất tươi mới. Đã bước vào những tháng cuối năm, thời tiết trở nên mát mẻ, một số nơi trở lạnh có thể là điều kiện thuận lợi để vi rút Sars-Cov-2 phát triển. Đây lại cũng là thời điểm các hoạt động kinh tế trở nên khẩn trương hơn trước khi bước sang năm mới, có thể khiến nhiều người dân và cả cơ quan chức năng các địa phương vì dồn sự tập trung quan tâm vào hoạt động kinh tế mà xao nhãng phòng chống dịch. Nếu không cảnh giác, để dịch bùng phát vào thời điểm cuối năm, đặc biệt là vào những tháng giáp Tết Nguyên đán, chắc chắn hậu quả sẽ rất nghiêm trọng!

Vì thế, các cơ quan hữu trách cần nhanh chóng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Mỗi người dân cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cùng cộng đồng chung tay phòng chống dịch. Có vậy mới đảm bảo sự an toàn cho xã hội, hướng tới một mùa làm ăn cuối năm thuận lợi, thành công.