Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cao điểm xử lý nồng độ cồn: Không có ngoại lệ, không có vùng cấm

Năm 2022, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý 270.601 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm hơn 10% các trường hợp vi phạm. Riêng tháng cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm giao thông, bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hơn 40.079 tài xế vi phạm nồng độ cồn, tăng 2.771 trường hợp so với thời gian cùng kỳ trước đó.

Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do bia rượu

Những ngày vừa qua, liên tiếp trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe sử dụng rượu bia. Điển hình vào đêm 15/12, tại đối diện số nhà 59 Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 1 xe ô tô và 2 xe máy.

Thời điểm xảy ra tai nạn, ô tô mang BKS 30E-927.XX do Lê Tiến S (sinh năm 1971, trú tại phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều khiển đã va chạm với xe máy do anh H.T.D (sinh năm 2003, trú tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) điều khiển và xe máy điện do cháu P.Đ.V (sinh năm 2009, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) điều khiển. Vụ va chạm làm 4 người bị thương, 3 phương tiện bị hư hỏng.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã kiểm tra nồng độ cồn với tài xế S, xác định tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,46 mg/L khí thở. Đây là mức vi phạm “kịch khung” được quy định trong Nghị định 100/NĐ-CP (mức vi phạm cao nhất trong Nghị định 100/NĐ-CP là 0,4 mg/L khí thở).

HIện trường vụ tai nạn nghiêm trọng tại cây xăng đường Láng (Hà Nội) do lái xe uống rượu bia gây ra.

HIện trường vụ tai nạn nghiêm trọng tại cây xăng đường Láng (Hà Nội) do lái xe uống rượu bia gây ra.

Trước đó, tối 10/12, xe ô tô BKS 30G-111.52 do Nghiêm Thành Đạt (sinh năm 1976) đã đâm dồn toa 4 xe máy đang dừng đón học sinh tại ngõ 300 phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội làm 4 người bị thương. Nguyên nhân do lái xe ô tô không chú ý quan sát gây tai nạn, điều khiển xe ô tô trong hơi thở có nồng độ cồn là 0.501 mg/L khí thở (cao gấp 1,25 lần vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất).

Mới đây nhất, tối 21/12 tại phố Đinh Tiên Hoàng, TP Huế cũng xảy ra vụ TNGT liên hoàn do ô tô con tông vào 8 xe máy. Lái xe là Lê Văn Hiền sinh năm 1991, trú ở thôn Lăng Xá Cồn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Vụ va chạm làm 8 xe máy đổ ra đường và bị hư hỏng khiến nhiều người đi đường sợ hãi. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế Hiền tiếp tục điều khiển xe ô tô này rời khỏi hiện trường và tông vào cổng nhà số 219 đường Trần Phú (TP Huế). Lúc này tài xế Hiền mới bị chủ nhà yêu cầu đứng lại để giải quyết. Bước đầu, Cơ quan công an xác định tài xế Hiền vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Năm 2022, cả nước xảy ra 11.450 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.384 người, bị thương 7.804 người. Lực lượng CSGT đã xử lý 2.865.684 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền 4.124 tỷ 652 triệu đồng, tước 388.141 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 614.520 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 1.263.641 trường hợp, tiền phạt tăng 1.360 tỷ 298 triệu đồng; so với năm 2021, giảm 19.171 trường hợp, tiền phạt tăng 1.316 tỷ 028 triệu đồng.

Đặc biệt, ngày 17/12, 17h20 ngày 16/12, lái xe Trương Vạn Nhật (SN 1995, trú ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) điều khiển ô tô bán tải BKS 43C-256.30 chạy với tốc độ nhanh trên đường Quảng Nam, đoạn qua phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn, Quảng Nam bất ngờ tông vào xe máy chị V.T.H.S (sinh năm 1997, trú ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và xe máy anh N.T.K (sinh năm 1974) chở theo vợ đang lưu thông cùng chiều.

Hậu quả khiến 3 người tử vong tại chỗ. Theo Công an quận Ngũ Hành Sơn, ngay sau khi gây ra tai nạn nghiêm trọng, qua tiến hành làm việc với tài xế Nhật thì người này có thái độ ngoan cố, không thành khẩn khai báo. Qua kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế Trương Vạn Nhật cho kết quả là 1.288mg/L, vượt hơn 3 lần mức vi phạm cao nhất.

Không có ngoại lệ, không có vùng cấm

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết, xử lý vi phạm nồng độ cồn rất khó và mất nhiều thời gian vì lái xe không tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi, lời nói nên thường không hợp tác, thậm chí chống đối. Vì vậy, có những trường hợp xử lý 1 trường hợp mất 2-3 tiếng đồng hồ. Dù vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết xử lý nghiêm.

Lực lượng CSGT ra quân xử lý vi phạm giao thông đợt cao điểm.

Lực lượng CSGT ra quân xử lý vi phạm giao thông đợt cao điểm.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT cho biết, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm về nồng độ cồn, song song với việc thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán. Lực lượng CSGT sẽ tiếp tục bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có vùng cấm, không ngoại lệ. Bên cạnh việc xử lý đúng theo đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo Bộ Công an cũng giao lực lượng CSGT ghi lại đơn vị công tác của người vi phạm là công chức, viên chức, Đảng viên, lực lượng vũ trang... để trao đổi với cơ quan, đơn vị, có hình thức xử lý.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, dù TNGT đã giảm nhưng 1 năm chúng ta vẫn có gần 7 nghìn người ra đường không trở về nhà, có gần 7 nghìn gia đình có tang tóc, hơn 10 nghìn đứa trẻ mất bố mẹ, hàng nghìn người mất con. Chính vì vậy, bảo vệ an toàn của người dân mỗi khi ra đường là trách nhiệm với dân, với nước, với Đảng, là tâm tư, nguyện vọng của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an. Đa số các vụ TNGT đều liên quan đến rượu bia, trong đó có nhiều vụ TNGT liên hoàn, làm chết, bị thương nhiều người. Chính vì vậy, chúng ta phải xử lý mạnh mẽ hơn hành vi vi phạm này, không để xảy ra chết người do không xử lý nghiêm nồng độ cồn. Kiểm soát tốt nồng độ cồn còn làm giảm các vụ đánh nhau, giết người.