Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư và tiến độ thực hiện dự án

(Dân sinh) - Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng cân đối vốn theo phân kỳ đầu tư và tiến độ thực hiện dự án theo khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư công. Đồng thời cần có phương án cụ thể, cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thu phí chuyển nhượng nhượng quyền thu phí đảm bảo tính khả thi, minh bạch, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Trường hợp nếu như dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục đánh giá tác động, đặc biệt là khả năng gây hiệu ứng lấn át khi tăng trưởng quá mức đầu tư công và nợ công đối với nền kinh tế.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Chiều ngày 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất làm thêm 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.

Đầu tư công để triển khai dự án là “cực chẳng đã”

Đồng tình với việc triển khai Dự án, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, Dự án sẽ tạo thuận lợi cho địa phương. Về thiết kế hướng tuyến, Chính phủ đề nghị thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN với tốc độ tối đa 120km/giờ.

Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về vận tốc tối đa cho phép nhằm đảm bảo tính phù hợp, chủ động, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tuyến đường cao tốc định hướng dài hạn đến năm 2050. Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tính phù hợp với thiết kế quy mô 4, 6, 8, 10 làn xe vì giải phóng mặt bằng thực hiện một lần cho cả dự án, cần chính xác quy mô với các làn xe tối đa cho phép phù hợp với tiềm năng vận hành, khả năng trung chuyển của đường cao tốc…

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, đại biểu Đinh Thị Phương Lan chỉ rõ, mức độ tác động lớn, trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố.

Do đó, Chính phủ cần có giải pháp chủ động; cân nhắc dự kiến nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng trong dự án tái định cư là hơn 19.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm cả dự trù chi phí trồng rừng thay thế, hỗ trợ chuyển đổi đất lúa 2 vụ với số hộ bị ảnh hưởng gần 15.000 hộ, số hộ tái định cư gần 12.000 hộ để có cân đối phù hợp.

Nhấn mạnh tính cấp thiết triển khai 12 dự án thành phần, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) ví von, tuyến đường này giống như con đường thống nhất Bắc Nam thời kỳ mới. Bên cạnh ý nghĩa chính trị, cao tốc Bắc - Nam còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế. 

Theo ông Lộc, việc lựa chọn phương án đầu tư công để triển khai dự án là “cực chẳng đã” vì tư nhân không làm. 

Song đại biểu bày tỏ với dự án lớn có ý nghĩa về mặt chính trị, kinh tế - xã hội, là biểu tượng của “ý Đảng, lòng dân” lại không thu hút được vốn tư nhân tham gia thì cần phải nhìn nhận lại chính sách. 

Bởi, Đảng đã có chủ trương, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng có tới 2 lần Quốc hội phải điều chỉnh các dự án PPP sang phương thức đầu tư công. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

“Đây là sự không thành công trong chính sách, lỗi không phải do phương thức PPP mà do cơ chế chính sách thiết kế chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân”, ông Lộc nêu quan điểm. 

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên thành lập quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư tư nhân vay để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thay vì Nhà nước phải đầu tư. Như vậy sẽ chuyển một phần vốn từ đầu tư công sang hỗ trợ đầu tư tư nhân. 

Cần quan tâm tới tái định cư cho người dân

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhấn mạnh, đây là yếu tố hết sức quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án. Gần như hiện nay các dự án chậm tiến độ đều xuất phát từ việc giải phóng mặt bằng.  

“Tôi đồng ý với phương án là bàn giao cho tỉnh các dự án giải phóng mặt bằng, tách ra thành các dự án độc lập”, đại biểu đoàn Hà Tĩnh nêu ý kiến.

Liên quan đến tiến độ của dự án, đại biểu Trần Đình Gia cho biết ông rất “hoài nghi” về việc từ 2022 - 2025 có thể thực hiện được dự án này. Ông Gia dẫn chứng thực tế giai đoạn 1 cao tốc Bắc - Nam đến 2021, có những dự án mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và thi công được khoảng 5-10%. Mà theo dự kiến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2025 là cơ bản hoàn thành.

“Để đảm bảo được tiến độ, tôi nghĩ cần phải cơ chế đặc thù trong việc hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật… Tôi nghĩ cần phải có cơ chế đủ mạnh như là Chính phủ trình, Quốc hội tạo điều kiện để có những cơ chế đặc thù trong việc triển khai dự án”, đại biểu Gia đề xuất.

Thống nhất với Tờ trình của Chính phủ đầu tư công toàn bộ dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) cho rằng vì Dự án có mức đầu tư lớn 10 dự án trên 10.000 tỷ, thời gian thu hồi vốn kéo dài, kinh tế - xã hội nước ta còn khó khăn, lượng xe lưu thông hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, khó hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng.

Việc Chính phủ đề xuất triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn cho Nhà nước là ý tưởng hoàn toàn có thể được, mặc dù chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế về chính sách này.

Đại biểu đề nghị Quốc hội đồng tình để Chính phủ triển khai thực hiện ngay từ lúc này, để các bộ, ngành chuyên môn có thời gian chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết khi dự án hoàn thành sẽ thực hiện ngay, với điều kiện là các dự án này là các nhà đầu tư chuyển nhượng phải thu phí không dừng.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường - (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, hiện chưa có cơ chế về nhượng quyền. Kể cả có nhượng quyền thì cũng không bù lại tiền Nhà nước đã bỏ ra. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị là chúng ta cần phải cân nhắc lại về phương án huy động đầu tư PPP bằng cách là tách dự án giải phóng mặt bằng ra. Phần giải phóng mặt bằng không tính vào trong dự án đầu tư.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tiền mà ngân sách nhà nước dành để đầu tư cho dự án này nên chuyển cho Ngân hàng Đầu tư phát triển cho các nhà đầu tư vay để họ có nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư PPP. Ông nhấn mạnh, nhà đầu tư tự đầu tư, tự vận hành, tự thu phí sẽ hiệu quả hơn nhiều lần so với Nhà nước đầu tư xong cho người khác vận hành vào thu phí trở lại.