Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cập nhật COVID-19 thế giới: Vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ

Đến 6 giờ sáng 25/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 477.617.912 ca, trong đó có 6.132.088 người tử vong. Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 477.617.912 ca, trong đó có 6.132.088 người tử vong.

Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. Dù vậy, diễn biến dịch vẫn khó lường khi số ca mắc mới tại một số nước có dấu hiệu tăng trở lại.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 412 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 58 triệu ca và trên 60.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 24/3, thế giới có 76 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 395.000 ca), đồng thời nước này cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 470 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 397.407 ca tử vong. Trong ngày 24/3, Việt Nam có số ca mắc mới (120.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Philippines ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (208 ca).

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 22/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ngày 22/3/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

VTV cũng đưa tin, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 81,53 triệu ca mắc và hơn 1 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 10.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hiện tại trung bình mỗi ngày nước Mỹ ghi nhận 28.600 ca mắc mới, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh điểm lần gần đây nhất là hơn 800.000 ca/ngày trong tháng 1 vừa qua. Số ca tử vong hiện ở mức trung bình khoảng 900 ca/ngày.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 24/2, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 658.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,72 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Hà Lan đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh tại nước này đã được cải thiện sau khi đạt đỉnh hồi tháng 1 vừa qua.

Theo đó, nước này đã bỏ quy định xuất trình các chứng nhận liên quan COVID-19 đối với những người tham gia một sự kiện lớn hoặc vào hộp đêm. Việc đeo khẩu trang cũng không còn bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng và khuyến nghị về làm việc từ xa không còn hiệu lực.

Hà Lan đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

Hà Lan đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: AP)

 

Do dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, Chính phủ Bồ Đào Nha đã thông báo gia hạn tình trạng báo động vì COVID-19 đến ngày 18/4 tới. Các biện pháp phòng dịch hiện hành vẫn tiếp tục được giữ nguyên, bao gồm đeo khẩu trang trong không gian công cộng khép kín, tại các cơ sở dịch vụ y tế và trên các phương tiện giao thông công cộng. Đối với những người chưa tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, điều kiện để được tới các địa điểm trong không gian kín và các cơ sở y tế là bắt buộc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Theo thống kê, cứ sau 5 ngày, Bồ Đào Nha lại trải qua một ngày có số ca mắc mới kỷ lục là 11.000 ca, trong đó biến thể Omicron chiếm chủ đạo.

Ba Lan ngày 24/3 thông báo sẽ dỡ bỏ phần lớn các qui định đeo khẩu trang và cách ly. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan Adam Niedzielsky, việc đeo khẩu trang sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc khi đến các không gian kín, tất cả người nhập cảnh và những người ở cùng phòng với người mắc COVID-19 sẽ không bị yêu cầu tự cách ly tại nhà. Hai quy định này sẽ được áp dụng từ ngày 28/3, ngoại trừ đối với các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Ba Lan cũng cho biết, khủng hoảng người di cư liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine không làm gia tăng số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan, dù rằng đến nay đã có hơn 2 triệu người sơ tán sang nước này kể từ ngày 24/2.

Từ ngày 1/4, các chính sách biên giới mới sẽ được áp dụng trở lại gần như trước dịch bệnh tại Singapore. Theo đó, hầu hết những hạn chế đối với du khách đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19 sẽ được dỡ bỏ.

Cụ thể, từ ngày 1/4, tất cả các du khách đã tiêm đủ vaccine và trẻ em từ 12 tuổi trở xuống nhập cảnh Singapore đều không phải cách ly mà không cần phải đi trên các chuyến bay theo Làn đi lại vaccine. Những du khách này cũng không phải xét nghiệm nhanh COVID-19 khi đến mà chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Họ cũng không cần phải xin giấy thông hành vaccine như trước đây.

Bộ Thông tin Myanmar ngày 24/3 thông báo, theo các quy định phòng dịch và kiểm soát dịch COVID-19 của Bộ Y tế nước này, khoảng 60 rạp chiếu phim sẽ được mở trở lại từ ngày 17/4, đúng dịp năm mới của Myanmar.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Myanmar trong tuần qua đã giảm. Bộ Thông tin Myanmar cho biết, việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim nhằm tạo thu nhập cho những người trong lĩnh vực điện ảnh và chủ quản các rạp chiếu phim trong bối cảnh dịch hiện đã trong tầm kiểm soát. Các rạp chiếu phim của Myanmar đã phải đóng cửa từ ngày 16/3/2020 nhằm ngăn ca lây nhiễm tại các nơi tập trung đông người.

Ngày 24/3, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới COVID -19 tại nước này tiếp tục lập đỉnh mới kể từ đầu dịch, lên tới 2.819 ca, trong đó thủ đô Vientiane vẫn là nơi ghi nhận nhiều nhất với 1.084 trường hợp. Hiện Chính phủ Lào đang nỗ lực kêu gọi người dân đi tiêm phòng. Tính tới nay, đã có 75,72% dân số đủ điều kiện của Lào được tiêm mũi thứ nhất và 60,40% được tiêm mũi thứ 2.

Trước sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 liên quan đến biến thể Omicron trong những ngày qua, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào thông báo đóng cửa các lớp học trực tiếp của các trường mầm non và tiểu học trên cả nước.

Indonesia quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế. (Ảnh: AP)

Indonesia quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế. (Ảnh: AP)

 

Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết, tình hình dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục được cải thiện. Do vậy, Chính phủ nước này quyết định nới lỏng một số biện pháp hạn chế, trong đó có việc hủy lệnh cấm du lịch nội địa trong thời gian diễn ra lễ ăn chay Ramadan và lễ Eid al-Fitr vào tháng 4 - 5 tới.

Theo đó, người dân Hồi giáo tại quốc gia Đông Nam Á này sẽ được tái thực hiện các nghi thức truyền thống tập trung trong tháng ăn chay. Kết thúc tháng ăn chay Ramadan, người dân cũng có thể về quê đón lễ Eid al-Fitr cùng gia đình và cầu nguyện tập trung tại nhà thờ. Hai năm vừa qua, các dịp lễ này đều bị bó hẹp trong bối cảnh Chính phủ Indonesia ban bố các lệnh hạn chế đi lại và cấm du lịch trong nước nhằm ngăn chặn số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh.

Ngoài nới lỏng hạn chế nói trên, Chính phủ Indonesia còn dỡ bỏ các quy định nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này đối với du khách nước ngoài có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, Indonesia cũng mở rộng danh sách cấp thị thực cho người nước ngoài đến từ 42 quốc gia.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), mặc dù số ca nhiễm mới tại nước này giảm còn 395.598 ca, thấp hơn nhiều so với mức 490.881 ca ghi nhận một ngày trước đó, nhưng số ca tử vong lại cao chưa từng thấy, với 470 ca. Như vậy, tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.822.836 ca nhiễm, trong đó có 13.902 người không qua khỏi. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại nước này hiện là 0,13%. Số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng là 1.081 người, giảm 3 người so với ngày trước đó.

Hàn Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất, đưa tổng số người mắc tại nước này vượt mốc 10 triệu ca hồi đầu tuần này. Đáng chú ý, gần 9 triệu trường hợp mắc được ghi nhận kể từ đầu tháng 2 vừa qua. Ngày 17/3 là ngày có số ca mắc mới cao kỷ lục tại nước này, với 621.205 ca.

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer để tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi. Quyết định trên được đưa ra sau khi hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xem xét các dữ liệu tiêm chủng ở những nước đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em như Israel và Mỹ.

Tỷ lệ gặp phản ứng phụ khi tiêm mũi thứ 3 cho nhóm từ 12 đến 17 tuổi tương tự hoặc thậm chí thấp hơn so với khi tiêm 2 mũi đầu. Điều quan trọng là không có bất cứ vấn đề nghiêm trọng nào về mặt an toàn. Bên cạnh đó, việc tiêm mũi thứ 3 sẽ góp phần tăng hiệu quả của vaccine, vốn giảm dần theo thời gian sau mũi tiêm thứ 2. Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ 3 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi vào tháng 4 tới.