Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cập nhật dịch COVID-19: Brazil có số ca mắc bệnh cao thứ 2 thế giới, nhiều nước châu Âu nới lỏng các hạn chế

Khu vực có tốc độ gia tăng ca nhiễm nhanh nhất hiện là Mỹ Latinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Nam Mỹ là "tâm chấn mới" của đại dịch COVID-19.

Bản tin lúc 6h ngày 24/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết đã ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19 là người từ Nga trở về trên chuyến bay VN0062 ngày 13/5, được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 325 ca.

Trên thế giới, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật sáng 24/5 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 99.686 ca mắc bệnh và 4.171 ca tử vong mới.

Tính đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 5.397.778 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 343.596 ca tử vong. Đại dịch COVID-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 2.244.830 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch còn 53.553 và 2.809.352 người đang phải điều trị tích cực.

Khu vực có tốc độ gia tăng ca nhiễm nhanh nhất hiện là Mỹ Latinh. Trước đó, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Nam Mỹ là "tâm chấn mới" của đại dịch COVID-19, trong đó tình hình tại Brazil là đặc biệt đáng báo động.

Cập nhật dịch COVID-19: Brazil có số ca mắc bệnh cao thứ 2 thế giới, nhiều nước châu Âu nới lỏng các hạn chế - Ảnh 1.

Một phụ nữ, đeo khẩu trang, ngồi trên bãi biển Promenade des Anglais, tại Nice, Pháp, ngày 21 tháng 5 năm 2020. REUTERS / Eric Gaillard

Mỹ Latinh: Số ca tử vong trong ngày tại Mexico cao kỷ lục, Brazil có số ca mắc bệnh cao thứ 2 thế giới

Bộ Y tế Mexico thông báo 479 ca tử vong vì dịch COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 6.989 người. Đây là số ca tử vong trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này. Cơ quan chức năng cho biết bên cạnh số ca tử vong trong nước, 966 công dân nước này đã tử vong do COVID-19 tại nước ngoài. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã tiến hành 210.070 xét nghiệm.

Theo số liệu, số ca mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt qua Nga và đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Theo số liệu thống kê đến ngày 23/5, Brazil ghi nhận 347.398 người dương tính với SARS-CoV-2, thêm 16.508 người mắc mới. Số ca tử vong tại đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vùng Nam Mỹ này cũng đứng thứ 6 thế giới với 22.103 người, tăng thêm 965 trường hợp trong ngày hôm qua.

Trước bối cảnh này, chính phủ Brazil đã gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày. Công báo của chính phủ Brazil công bố quyết định trên vào tối 22/5 (giờ địa phương) cho biết, biện pháp này sẽ áp dụng cho cả các biên giới đường bộ và hàng không, chỉ trừ giao thông thương mại. Ngoài ra, lệnh cấm nhập cảnh còn được miễn trừ đối với các công dân Brazil và người nước ngoài tạm trú hay thường trú tại nước này theo các cơ quan đại diện ngoại giao.

Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới

Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, với 1.666.736 ca mắc COVID-19 (tăng 21.757 ca trong 24 giờ qua) và 98.673 ca tử vong (tăng 1.026 ca).

Theo kết quả một cuộc thăm dò được được Hill-HarrisX công bố thì nhiều người dân Mỹ ủng hộ việc bắt buộc phải sử dụng khẩu trang tại một số khu vực công cộng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp diễn.

Trong khi đó, cùng ngày, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố các hạt ở ngoại ô thành phố New York có thể bắt đầu hoạt động trở lại từ tuần sau (25/5) nếu số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tiếp tục giảm và các chương trình truy xuất tiếp xúc được thực thi rộng rãi. Ông Cuomo cũng khuyên mọi người nên thực hiện tốt việc giãn cách xã hội khi tập hợp thành nhóm tối đa 10 người.

Châu Âu: Nhiều nước lên kế hoạch nới lỏng quy định chống dịch COVID-19

Tây Ban Nha: Mở cửa trở lại với khách du lịch quốc tế từ tháng 7 tới

Tây Ban Nha là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất châu Âu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất châu lục từ ngày 14/3. Tính đến nay, nước này ghi nhận 282.370 ca nhiễm và 28.678 ca tử vong vì dịch COVID-19. Ngày 23/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại với khách du lịch quốc tế từ tháng 7 tới.

Cập nhật dịch COVID-19: Brazil có số ca mắc bệnh cao thứ 2 thế giới, nhiều nước châu Âu nới lỏng các hạn chế - Ảnh 2.

Mọi người đi bộ trong Via del Corso, tại Rome, Ý, ngày 23 tháng 5 năm 2020. REUTERS / Remo Casilli

Italy: Dỡ bỏ lệnh phong tỏa hôm 18/5

Italy ghi nhận 119 trường hợp tử vong mới do dịch COVID-19 vào Thứ Bảy (23/5) so với 130 ngày trước đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết, trong khi số lượng các trường hợp mới hàng ngày tăng thêm 669 người.

Tổng số người chết kể từ khi vụ dịch bùng phát vào ngày 21 tháng 2, hiện ở mức 32.735, cơ quan này cho biết, cao thứ 3 trên thế giới sau Hoa Kỳ và Anh.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết tổng số trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Italy kể từ khi bắt đầu bùng phát hiện nay lên tới 229.327, cao thứ 6 toàn cầu sau các nước Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Brazil.

Trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên sau khi Italy dỡ bỏ lệnh phong tỏa hôm 18/5, người dân trên khắp Italy đã đổ ra đường để tận hưởng các hoạt động giải trí cuối tuần như thói quen trước đây sau hơn 2 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hoạt động của người dân đã gây lo lắng cho các cơ quan chính quyền trước việc không thực hiện đúng các quy định về phòng chống lây nhiễm vẫn còn có hiệu lực.

Bulgaria: Bãi bỏ lệnh cấm du khách từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và khu vực Schengen nhập cảnh vào nước này

Bộ Y tế cho biết những du khách nhập cảnh vào Bulgaria vẫn phải cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, thời hạn 14 ngày sẽ không còn áp dụng cho công dân Bulgaria và công dân của các quốc gia EU khác vì lý do nhân đạo, cũng như đối với những đại diện trong các hoạt động thương mại, kinh tế và đầu tư.

Cho đến ngày 23/5, Bulgari ghi nhận 2.408 ca mắc COVID-19 và 126 ca tử vong.

Latvia: Lên kế hoạch chấm dứt tình trạng khẩn cấp vào ngày 9/6 tới

Latvia đã ghi nhận 1.046 ca nhiễm bệnh và 22 ca tử vong. Latvia đã áp dụng tình trạng khẩn cấp từ ngày 13/3 và bắt đầu nới lỏng vào ngày 12/5. Thủ tướng Krišjāni Kariņš cho biết nước này sẽ tiếp tục tiến hành nới lỏng từng bước các hạn chế trong bối cảnh đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh với các hạn chế "tối thiểu". Cho đến nay,

Pháp: Số trường hợp mắc bệnh mới đã chậm lại

Gần 2 tuần sau khi lệnh phong tỏa kết thúc, dữ liệu của bộ y tế vào thứ Bảy cho thấy số ca nhiễm mới được xác nhận là 250 người, nâng tổng số ca nhiễm lên 182.469. Số người trong bệnh viện bị nhiễm COVID-19 ở Pháp đã giảm 205 xuống còn 17.178 vào thứ Bảy, tiếp tục giảm dần trong hơn năm tuần kể từ mức cao 32.292 vào ngày 14 tháng Tư. Số người được chăm sóc đặc biệt đã giảm 2,1% còn 1.665.

Cả hai con số là thước đo chính của khả năng đối phó với dịch bệnh của hệ thống y tế quốc gia.

Chính phủ Pháp đang theo dõi tỷ lệ lây nhiễm và số lượng bệnh viện chặt chẽ để quyết định xem có nên nới lỏng các biện pháp hạn chế trong những tuần tới hay không.

Cập nhật dịch COVID-19: Brazil có số ca mắc bệnh cao thứ 2 thế giới, nhiều nước châu Âu nới lỏng các hạn chế - Ảnh 3.

Tại nghĩa trang Vila Formosa, nghĩa trang lớn nhất của Brazil, tại Sao Paulo, Brazil, ngày 22 tháng 5 năm 2020 REUTERS / Amanda Perobelli

Châu Á: Gần 1 triệu người mắc COVID-19

Tính tới 6 giờ sáng 24/5 (giờ Việt Nam), châu Á đã ghi nhận 936.333 ca mắc COVID-19, trong đó 27.068 ca tử vong.

Ấn Độ: Ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong một ngày

Ấn Độ đã ghi nhận 6.654 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm virus lên 125.101 người, trong đó có 3.720 trường hợp tử vong. Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần số ca nhiễm mới trong một ngày của Ấn Độ vượt 6.000 người. Chính phủ nước này khẳng định lệnh phong tỏa đã làm chậm quá trình dịch bệnh lây lan và có đủ thời gian nâng cấp cơ sở hạ tầng y tế liên quan đến giường bệnh, năng lực xét nghiệm và nguồn nhân lực được đào tạo… nhằm kiểm soát dịch tốt hơn.

Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 23/5

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.825 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 31 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, tình hình dịch tại Indonesia và Singapore nóng nhất khối, trong đó Indonesia là nước có ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất Đông Nam Á.

Ủy ban chống COVID-19 của Indonesia thông báo, ngày 23/5 nước này có 949 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 21.745 ca. Tổng số ca tử vong tại Indonesia đã tăng lên 1.351 ca, với 25 ca tử vong mới. Số người khỏi bệnh là 5.249. Indonesia đã trở thành "ổ dịch" nghiêm trọng nhất khu vực. Hiện nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan đến toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 23/5 ghi nhận 180 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.777 ca. Philippines có thêm 6 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 863 ca. Bộ trưởng Y tế nước này Francisco Duque nhận định Philippines đang đối mặt với làn sóng nhiễm COVID-19 thứ hai.

Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore báo cáo thêm 642 ca mới, đưa tổng số ca lên 31.068, trong khi số ca tử vong vẫn là 23 ca. Ngoài ra, Singapore có 13.882 ca đã bình phục. Các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó với dịch COVID-19 đang được áp dụng tại Singapore sẽ kết thúc vào ngày 1/6 và nước này sẽ dần khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn trong vài tháng sau đó.

Malaysia không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong ngày 23/5, tổng số tử vong là 115 người. Với 48 trường hợp mới mắc bệnh, tổng số bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại Malaysia là 7.185 người.

Tại Thái Lan, ngày 23/5, đất nước này có 3 ca mắc COVID-19, song không có trường hợp tử vong. Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Thái Lan hồi tháng 1, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 3.040 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 56 trường hợp tử vong. Tính đến ngày 23/5, Thái Lan cũng ghi nhận tổng cộng 2.916 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và được phép trở về nhà. Các cơ quan an ninh của nước này đã nhất trí kiến nghị kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng 6 do tình hình đại dịch COVID-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại.

Số ca mắc bệnh tại châu Phi vượt mốc 100.000
Tính tới 6 giờ sáng 24/5 (giờ Việt Nam), châu Phi đã ghi nhận 108.862 ca mắc COVID-19, trong đó 3.265 ca tử vong.

Ca mắc COVID-19 được ghi nhận trên khắp châu Phi. Các quốc gia tại Bắc Phi có số ca tử vong cao nhất, đứng đầu là Ai Cập và Algeria.

Phía Nam sa mạc Sahara, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 nhất là Nam Phi và Nigeria.

Các chuyên gia cảnh báo số liệu của châu Phi có khả năng thấp hơn quy mô thực tế của đại dịch tại lục địa này do năng lực xét nghiệm còn thấp.

Nguồn: Reuters, Channelnews