Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cấp thuốc đặc trị và tiêm phòng dịch bạch hầu cho 8.000 trường hợp ở Đắk Lắk

(Dân sinh) - Theo kết quả xét nghiệm đối với 34 trường hợp cách ly theo dõi bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Lắk, có 3 trường hợp dương tính với bệnh này, còn lại âm tính. Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk đã cấp thuốc và tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho 8.000 trường hợp tại vùng dịch.

Cấp thuốc đặc trị và tiêm phòng dịch bạch hầu cho 8.000 trường hợp ở Đắk Lắk - Ảnh 1.

Các bệnh nhân nghi bị bệnh bạch hầu được điều trị cách ly tại bệnh viện.

Sáng 4/9, trao đổi với sggp.org.vn, bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan chức năng đã có kết quả xét nghiệm đối với 34 trường hợp cách ly theo dõi bệnh bạch hầu.

Theo bác sĩ Lào, có 3 ca dương tính với bệnh bạch hầu, 31 trường hợp còn lại âm tính với bệnh bạch hầu. Hiện tại, sức khỏe của 3 trường hợp dương tính bạch hầu đều tiến triển tốt.

Cũng theo bác sĩ Lào, sau khi phát hiện cháu H'Si Yan (5 tuổi, ngụ xã Ea H'đinh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) mắc bệnh bạch hầu rồi tử vong, ngành y tế đã lập khu vực cách ly, phun hóa chất khử trùng.

Theo đó, ngành y tế cấp thuốc cho 1.000 trường hợp sống gần nhà bệnh nhân uống thuốc đặc trị. Đồng thời, ngành y tế cũng phối hợp với địa phương lập danh sách tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho khoảng 7.000 người từ 7-45 tuổi trên địa bàn xã Ea H'đinh để ngăn ngừa bệnh.

Cấp thuốc đặc trị và tiêm phòng dịch bạch hầu cho 8.000 trường hợp ở Đắk Lắk - Ảnh 2.

PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phát biểu trong buổi làm việc với ngành Y tế Đắk Lắk.

Trao đổi với suckhoedoisong.vn, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk thống kê tất cả các trường hợp nghi nhiễm bệnh, có biểu hiện sốt, đau họng, viêm họng, đồng thời khám kỹ, lấy mẫu để xác định bệnh, sau đó sàng lọc, phân loại sắp xếp cách ly điều trị ở khu riêng biệt.

Cùng với đó là tiến hành tổng lực các biện pháp, từ tuyên truyền đến dịch tễ và điều trị tích cực, thông báo trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời kết hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để  chuẩn đoán phát hiện xem đó có phải bệnh bạch hầu hay không.

"Càng phát hiện sớm bao nhiêu, càng điều trị tích cực ngay từ đầu bao nhiêu và càng khoanh ổ dịch tốt bao nhiêu thì càng không bị lây lan dịch. Biện pháp quan trọng nhất, trước mắt là phải tiến hành giám sát, điều trị cách ly và phải uống thuốc phòng cho tất cả những người có tiếp xúc, những người có liên quan; tiêm vaccine. Biện pháp quan trọng nữa là vấn đề vệ sinh, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh quần áo" - ông Trần Đắc Phu cho biết.