Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Câu chuyện giảm nghèo ở Long Thắng

Long Thắng là một trong những xã đi đầu của huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện công tác giảm nghèo. Nếu như đầu nhiệm kỳ (2015 - 2020) tỷ lệ hộ nghèo là 9,6% thì đến cuối nhiệm kỳ giảm còn 2,6% (giảm 7% với 221 hộ được thoát nghèo).

Để đạt được kết quả trên, xã Long Thắng đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, công tác dạy nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vốn vay để hộ nghèo phát triển sản xuất, ổn định kinh tế là một trong những giải pháp trọng tâm quyết định thành công trong công cuộc giảm nghèo ở nơi đây.

Câu chuyện giảm nghèo ở Long Thắng - Ảnh 1.

Nhiều mô hình giảm nghèo đã phát huy hiệu quả.

Thực hiện công tác giảm nghèo, đầu mỗi năm, xã đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo để phân loại từng nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo các tiêu chí: thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm,... Trên cơ sở đó sẽ lập kế hoạch và đề ra giải pháp hỗ trợ cụ thể. Qua các đợt điều tra cho thấy, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo ở Long Thắng là thiếu việc làm, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh nên trong nhiệm kỳ qua, xã đã xác định giải quyết việc làm và hỗ trợ vốn làm ăn là 2 giải pháp trọng tâm trong công tác giảm nghèo của xã.

Để giải quyết vấn đề thiếu việc làm, xã đã đẩy mạnh thực hiện đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động, con em hộ nghèo, cận nghèo để họ có việc làm và thu nhập ổn định. Cụ thể, từ năm 2016 – 2020, xã đã phối hợp mở 11 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, giới thiệu đưa 92 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 306% chỉ tiêu đề ra). Đặc biệt, bình quân hàng năm có trên 800 lao động được giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh đã góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo bền vững của xã.

Gia đình chị Huỳnh Kim Thanh ngụ ấp Hòa Ninh cho biết, nhiều năm trước, gia đình chị rất khó khăn, là hộ nghèo trong xã. Không đất sản xuất, vợ chồng chị phải làm thuê kiếm sống lo cho 2 con ăn học. Năm 2017, con trai lớn của chị đủ tuổi lao động và được chính quyền địa phương giới thiệu xin việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Sa Đéc. Hiểu hoàn cảnh gia đình nghèo khó, con chị tập trung làm việc và chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng thu nhập trung bình 6 - 7 triệu đồng để phụ giúp gia đình. Năm 2019, từ nguồn tích lũy sau mấy năm đi làm của con, cộng với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 45 triệu đồng, gia đình chị đã cất được căn nhà mới kiên cố.

Song song với việc đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, xã còn duy trì nguồn vốn vay giảm nghèo để kịp thời giải ngân vốn, giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2016 – 2020, xã đã giải ngân 4,3 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 290 hộ nghèo phát triển sản xuất. Đặc biệt năm 2019, xã được tỉnh chọn triển khai Dự án "Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững" với tổng kinh phí hỗ trợ 480 triệu đồng, hỗ trợ cho 16 hộ nghèo vay vốn chăn nuôi bò (mỗi hộ vay 30 triệu đồng, hoàn vốn trong vòng 3 năm) bước đầu đã phát huy hiệu quả. Từ các nguồn vốn vay này, nhiều hộ nghèo trên địa bàn đã làm ăn hiệu quả vươn lên thoát nghèo.

Ngoài 2 giải pháp trên, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục như tặng thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi; hỗ trợ cất nhà tình thương; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi... cũng được xã triển khai đồng bộ, kịp thời.

Thời gian tới, xã Long Thắng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự lực trong phát triển kinh tế gia đình để thực hiện giảm nghèo một cách bền vững, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã ngày càng phát triển.