Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cầu thủ ĐT nữ Việt Nam mỏi mắt tìm tài trợ, lập kỳ tích từ đồng lương còm cõi

Cầu thủ nữ Việt Nam phải vượt qua rất nhiều khó khăn để theo đuổi nghề, trước khi mang về tấm vé World Cup lần đầu tiên trong lịch sử cho bóng đá nước nhà.

K

Báo Vtc News cho hay, bóng đá nữ Việt Nam vận hành không giống mô hình chuyên nghiệp của bóng đá nam. Giống như hầu hết các nền bóng đá khác, sự đầu tư cho các cô gái đá bóng chỉ là con số nhỏ so với các đồng nghiệp nam.

Sự quan tâm của dư luận cũng tương tự. Bóng đá nữ Việt Nam gần như chỉ được nhắc đến sau những chiến thắng của đội tuyển quốc gia tại các giải đấu lớn. Trong hoàn cảnh như vậy, các nữ cầu thủ phải vượt qua rất nhiều khó khăn để theo được với nghề.

"Cầu thủ nữ Việt Nam khổ quen rồi", HLV Mai Đức Chung từng chia sẻ như vậy khi đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 30 tại Philippines. Bóng đá nữ Việt Nam xưa nay luôn gắn với 2 từ vượt khó.

Ban tổ chức khó có thể làm khác được trong bối cảnh kinh phí hạn hẹp. Nguồn tài trợ cho giải vô địch quốc gia không lớn, chưa nói tới riêng các CLB. Trong 10 năm qua, giải bóng đá nữ VĐQG chỉ gắn tên một nhà tài trợ là Thái Sơn Bắc. Đại diện đơn vị này từng chia sẻ rằng việc tài trợ cho bóng đá nữ không phải hoạt động thương mại mà chỉ như như công tác xã hội.

Lương tháng của các cầu thủ nữ Việt Nam chỉ khoảng 5 triệu đồng. Đối với các đội bóng có điều kiện khó khăn, con số đó còn thấp hơn. Cầu thủ của CLB bóng đá Thái Nguyên vài năm trước chỉ được nhận lương 1,3 triệu đồng/tháng. Có người tranh thủ đi làm công nhân trong thời gian mùa giải chưa diễn ra, hoặc xin nghỉ sớm để theo nghề khác.

Đội trưởng đội tuyển Việt Nam Huỳnh Như bán dừa sáp đặc sản. Thái Thị Thảo buôn đồ thể thao từ vài năm trước. Trong khi đó, cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam nổi tiếng nhất ở tầm quốc tế Nguyễn Thị Tuyết Dung khi không thi đấu sẽ về nhà giúp gia đình làm ruộng. Vài năm trước, cô dành tiền thưởng của mình để xây nhà cho bố mẹ mở quán ăn.

Khó khăn như vậy, nhưng những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam vẫn xoay sở, nỗ lực để tiếp tục theo đuổi nghiệp cầu thủ. Không chỉ vậy, Huỳnh Như và các đồng đội còn liên tục gặt hái được những thành công mà đỉnh cao nhất là tấm vé tham dự World Cup lần đầu tiên trong lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam.

mai_duc_chung_di_cho_5_zing

HLV Mai Đức Chung sẽ làm việc với VFF về tương lai và kế hoạch sau khi về nước. Ảnh: Quang Thịnh.

Liên quan đến đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, tạp chí Zing thông tin, VFF xem xét mong muốn của HLV Mai Đức Chung. Từ Ấn Độ, HLV Mai Đức Chung chia sẻ tâm tư nhường lại ghế thuyền trưởng ở tuyển nữ Việt Nam trước thềm World Cup 2023. Ông cho biết lý do là lớn tuổi và khó đảm đương công việc này ở cường độ áp lực cao như trước nữa.

Thông tin này khiến LĐBĐ Việt Nam bất ngờ. Sau đó, lãnh đạo VFF cho biết: "Chúng tôi tôn trọng quyết định của HLV Mai Đức Chung. Hợp đồng giữa hai bên còn đến hết năm 2022, nên chúng tôi sẽ xem xét sau".

ông Mai Đức Chung cho biết: "Có thể tôi chỉ làm cố vấn cho đội nữ Việt Nam. Nếu được, mình cũng theo đội với vai trò tư vấn thôi. Tôi 72 tuổi rồi, chủ yếu muốn áp lực cho mình chứ không để cầu thủ".

Ông Chung nhấn mạnh việc chọn HLV nước ngoài có thể thay thế mình. HLV trưởng tuyển Việt Nam cũng đã xem xét các ứng viên nội, nhưng chưa thấy ai phù hợp. Ông đề cập đến một HLV nữ người Việt đang làm việc ở Australia.

Ở tuyển nữ Việt Nam, không ai có thể hiểu tâm tư tình cảm của các nữ tuyển thủ như nhà cầm quân sinh năm 1951. Vì vậy, để chọn một người thay thế ông cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Trước mắt, VFF thu xếp để đội tuyển đi máy bay riêng từ Mumbai về Hà Nội vào ngày 10/2. Đơn vị tài trợ vận chuyển các đội tuyển quốc gia bố trí chuyến bay để giúp đội có trạng thái tốt nhất trước khi đặt chân về Việt Nam.