Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cha mẹ nghĩ con béo mới khoẻ, bác sĩ nói “trẻ ít bệnh mới quan trọng”

Dinh dưỡng cho con trẻ luôn là vấn đề nóng hổi được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Thực tế có rất nhiều cha mẹ quan niệm con béo mới là khoẻ, là tốt, nhưng giới chuyên môn thì cho rằng không hoàn toàn là như vậy.

Con mũm mĩm, bố mẹ mới hài lòng

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hà - Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Trung ương, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, tiêu chí để đánh giá em bé khỏe mạnh phải dựa trên sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần. Nói đến thể chất khỏe mạnh có nghĩa là trẻ ở trong ngưỡng cân nặng và chiều cao bình thường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Hội Nhi khoa Dinh dưỡng đưa ra bảng cân nặng, chiều cao chuẩn để đánh giá cân nặng, chiều cao cho em bé. Bố mẹ có thể đối chiếu với chỉ số cân nặng, chiều cao của con em mình. Mỗi mẹ không cần nhìn con của mẹ này bụ bẫm hơn một chút, không quá lo lắng mà phải xem chiều cao, cân nặng của con mình thông qua việc cân, đo và chấm lên biểu đồ để biểu diễn quá trình phát triển của trẻ, so sánh kết quả này với quần thể tham khảo để đánh giá tình trạng phát triển thể lực của trẻ.

Hiện nay, có một thực tế là đại bộ phận bà mẹ Việt Nam thường thích con mình phải “nằm trên đường cao” hơn đường cao trung bình, thậm chí có gia đình con đã vượt ngưỡng chuẩn, báo động thừa cân, béo phì rồi mà vẫn muốn con mình tăng trưởng hơn nữa. Ngoài cân nặng, chiều cao, trẻ phải phát triển trí tuệ tốt. Tiếp đến là bé ít bệnh tật rất quan trọng, điều này đảm bảo sự phát triển tinh thần, thể chất của trẻ. Do đó, muốn em bé khỏe mạnh thì phải đánh giá mặt thể chất, tinh thần, hoạt động xã hội của em bé, con có hòa động với cộng đồng hay không – chuyên gia Nhi khoa Nguyễn Thị Việt Hà nói.

Cha mẹ nghĩ con béo mới khoẻ, bác sĩ nói “trẻ ít bệnh mới quan trọng” - Ảnh 1.

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hà.

Cũng theo PGS. Việt Hà, các bà mẹ Việt có nhiều quan điểm khác nhau, có khi ép ăn quá mức nhưng cũng có người để kệ theo kiểu “con ăn bao nhiêu thì ăn”, nhiều trẻ có cân nặng dưới ngưỡng nhưng mẹ vẫn chủ quan rằng con ăn theo nhu cầu mà không biết những trẻ này có thể mắc những bệnh lý tiềm tàng mà mình không phát hiện được.

Ngược lại, có bà mẹ đọc sách xong lại tính ra lượng calo phải ăn bao nhiêu, uống sữa mấy cốc… nhưng con không đạt được mức cân nặng như kỳ vọng, rồi sinh ra tâm lý lo lắng, căng thẳng, tìm mọi cách dùng thuốc kích thích tăng cân, ăn thêm chế phẩm khác…. Đây là những tính toán không phù hợp, không khoa học.

PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng, em bé được phát triển từ thực phẩm và chế độ dinh dưỡng cung cấp đủ chất như chất đạm, chất béo và chất bột đường và đặc biệt là các vi chất dinh dưỡng cung cấp giúp trẻ tăng trưởng cả chiều cao, cân nặng. Bên cạnh đó, giúp trẻ thông minh hơn, phát triển toàn diện. Nếu chế độ dinh dưỡng không tốt sẽ làm trẻ chậm tăng trưởng, hay ốm, hay mắc các bệnh nhất là thời điểm giao mùa sẽ mắc các bệnh cúm.

“Các bậc phụ huynh rất lo lắng trẻ phát triển chiều cao, cân nặng. Chúng tôi đã làm một nghiên cứu giữa phụ nữ Nhật Bản và Việt Nam cho thấy, ở Nhật các bà mẹ chỉ cần phát triển chiều cao và đủ dưỡng chất; còn ở Việt Nam nhiều bà mẹ thích trẻ mũm mĩm mới hài lòng nên nhiều bà mẹ khi con thừa cân nhưng vẫn ép con ăn nhiều hơn. Vì vậy việc đánh giá đúng về tình trạng dinh dưỡng của con mình là rất quan trọng”- chuyên gia dinh dưỡng chỉ rõ.

Cha mẹ nghĩ con béo mới khoẻ, bác sĩ nói “trẻ ít bệnh mới quan trọng” - Ảnh 3.

PGS.TS Lê Bạch Mai.

Chế độ dinh dưỡng mùa lạnh có gì cần chú ý?

Ở thời điểm giai đoạn giao mùa, thời tiết lạnh như hiện nay, PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Khi nhiệt độ thay đổi thất thường, trời chuyển lạnh thì suất ăn của bé phải phù hợp với nhiệt độ cơ thể. Nếu trời khô làm bé mất nước nhiều nên chú ý cung cấp đầy đủ nước, nếu không đủ nước dễ làm trẻ táo bón, phân không được đào thải ra ngoài khiến trẻ khó chịu, ăn uống kém hơn.

Cũng trong thời điểm giao mùa, việc cung cấp vi chất rất quan trọng. Đa số phụ huynh chỉ nghĩ đến số lượng trẻ ăn, bé ăn một bát cháo hay hai bát cháo mà không nghĩ rằng trong bát cháo ngoài đủ năng lượng, béo, bột đường thì phải có đủ chất vitamin và chất khoáng cũng là rát quan trọng.

Đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi có đến 42-43% trẻ bị thiếu máu, đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ có sức đề kháng kém. 60% trẻ bị thiếu kẽm, điều này cũng khiến tác động đến sức đề kháng của trẻ trước tác động của môi trường. 13% trẻ bị thiếu vitaminh A cận lâm sàng làm giảm sức đề kháng, trẻ dễ cảm nhiễm trước môi trường.

Cha mẹ nghĩ con béo mới khoẻ, bác sĩ nói “trẻ ít bệnh mới quan trọng” - Ảnh 4.

Trẻ biếng ăn là nỗi ám ảnh của nhiều cha mẹ. Ảnh minh hoạ.

Một số phụ huynh than phiền rằng, con tôi ăn mãi không lớn, còi cọc, ốm vặt... không biết phải làm sao? PGS. Mai tư vấn, cần giải quyết triệt để nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ thì mới có thể khắc phục được vấn đề này. Giới chuyên môn chia biếng ăn làm 3 nhóm đó là biếng ăn do yếu tố tâm lý (trẻ biếng ăn xa mẹ, trẻ cai sữa, đổi người giúp việc, hoặc đang từ nhà chuyển đi mẫu giáo... làm tâm lý trẻ thay đổi).

Hai là, trẻ biếng ăn bệnh lý, ví dụ khi trẻ mọc răng lợi sưng lên, trẻ loét miệng, hoặc trẻ có vấn đề về bệnh lý đường tiêu hóa cũng làm cho trẻ biếng ăn.

Nguyên nhân thứ 3 là biếng ăn sinh lý, khi trẻ "vào cữ" như biết lẫy, biết bò, biết đi cũng có thể làm cho trẻ biếng ăn. Do đó, bác sĩ khuyên trước đứa trẻ biếng ăn, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân. Khi giải quyết triệt để nguyên nhân gây biếng ăn chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề biếng ăn.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh quan tâm con là điều cần thiết nhưng phải có kiến thức và thông tin tư vấn khoa học, không phải nuôi con theo trào lưu, theo mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Các bác sĩ cho rằng, biếng ăn là cảm giác bé ăn qua đường miệng, kém hấp thu thì lại là đánh giá toàn bộ đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Biếng ăn là không ăn thức ăn còn kém hấp thu thì ăn đầy đủ khẩn phần nhưng lại không tăng cân, không phát triển bình thường do thức ăn không tiêu hóa hết mà đi ra đại tiện khi đó đại tiên phân nát, chua, thậm chí còn nguyên thức ăn không tiêu hóa được, bé đầy bụng, khó tiêu. Một bé kém hấp thu thì có thể biếng ăn nhưng một bé biếng ăn chưa chắc đã kém hấp thu.

Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn, kém hấp thu, trước hết phải xem trẻ có ăn hết khẩu phần không, bình thường trẻ ăn hết một bát con nhưng trẻ chỉ ăn được ½ bát; bé hay lựa chọn thức ăn, kén thức ăn, cứ đến bữa ăn nhìn thấy bát đĩa là khóc; bữa ăn của bé kéo dài quá 30 phút (nếu kéo dài quá 30 phút làm cho đường huyết của bé tăng lên, không làm cho trẻ có cảm giác đói)… làm trẻ biếng ăn.

Ngoài ra cần đánh giá trẻ bị táo bón, đi đại tiện phân rắn, tiểu đặc trẻ không tăng cân không có chiều cao cân nặng.