Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt: Cần nhân văn, nghĩa tình

Thành phố Hải Phòng hiện có gần 100 người là nạn nhân nhiễm chất độc da cam không có, không còn con chăm sóc, không còn cha mẹ ruột nuôi dưỡng, cùng hàng trăm trường hợp nạn nhân là con chỉ còn cha hoặc mẹ. Điều này gây khó khăn cho các nạn nhân khi phải sống nhờ cậy vào họ hàng, cộng đồng.

Nỗi đau di họa chiến tranh

Chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt: Cần nhân văn, nghĩa tình - Ảnh 1.

Đại diện MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hội Nạn nhân Da cam/Đi-ô-xin tặng quà nạn nhân nhiễm chất độc da cam (thế hệ con) tại phường Thành Tô.

Toàn thành phố hiện có 99 người bị nhiễm chất độc da cam không có, không còn con chăm sóc; không còn cha mẹ ruột nuôi dưỡng ở rải rác tại các quận, huyện. Tập trung nhiều nhất tại 3 địa phương: Huyện Tiên Lãng 22 nạn nhân; huyện An Lão 16 nạn nhân; huyện An Dương 10 nạn nhân. 50% số nạn nhân bị vô sinh, một số không lập gia đình; 1/3 trường hợp có bố mẹ đã từ trần hoặc nạn nhân sống thực vật. Trong số hơn 7.000 nạn nhân trên toàn thành phố bị nhiễm chất độc da cam thuộc thế hệ thứ 1 và thứ 2 có gần 1.200 hộ có 2 nạn nhân; hơn 150 hộ có 3 nạn nhân trở lên. Nỗi đau di họa chiến tranh đối với các gia đình và trực tiếp các nạn nhân da cam vô cùng lớn. Rất nhiều nạn nhân thế hệ con bị tật nguyền không tự phục vụ được bản thân, lúc nào cũng cần có người trông nom, chăm sóc.

Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/Đi-ô-xin quận Hồng Bàng Phan Quốc Dũng cho biết: "Trên địa bàn quận có một số hoàn cảnh nạn nhân chất độc da cam hết sức thương tâm khi chỉ còn bố hoặc mẹ nuôi dưỡng trong khi bố hoặc mẹ đều tuổi cao, sức khỏe yếu". Như trường hợp nạn nhân Đào Văn Mạnh (sinh năm 1985) là con ông Đào Minh Bội (đã mất năm 2016), bị liệt toàn thân không tự phục vụ. Người mẹ sức khỏe yếu, không biết chăm con được đến ngày nào. Hay như trường hợp nạn nhân Phan Văn Long (sinh năm 1988, ở phường Sở Dầu), mẹ qua đời năm 2016. Trường hợp nạn nhân Long, bố phải đưa về quê nhờ người thân cùng giúp đỡ chăm sóc nhưng cuối cùng phải trở lại gia đình do việc chăm nuôi quá vất vả, người thân cũng không hỗ trợ được. 

Ông Dũng băn khoăn, còn nhiều trường hợp nạn nhân hoàn cảnh cực kỳ khó khăn do cha, mẹ đều phải dồn sức tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân mà không có việc làm, không có thu nhập thêm ngoài phụ cấp ưu đãi nhà nước hỗ trợ hàng tháng. Nỗi đau còn kéo dài khi trực tiếp các nạn nhân bị tật nguyền không có cơ hội lập gia đình, đồng nghĩa với việc không có vợ/chồng, con cái chăm sóc khi cha mẹ không còn (nhiều nạn nhân là con duy nhất của gia đình).

Cần giải quyết vấn đề một cách nhân văn nhất

Chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt: Cần nhân văn, nghĩa tình - Ảnh 3.

Đại diện chính quyền các cấp thăm, động viên nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại huyện An Lão.

Đại diện chính quyền các cấp đã thăm, động viên nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại huyện An Lão vô sinh, không lập gia đình, không có con, không còn bố mẹ nuôi dưỡng (nhiều nạn nhân là con duy nhất nên không có anh chị em ruột) nên cuộc sống hết sức vất vả. Qua tham khảo ý kiến từ những người làm công tác hội ở quận, huyện, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đã ghi nhận nhiều tâm tư. Những người này thường nhờ họ hàng, cộng đồng giúp đỡ, song về lâu dài rất khó khăn. 

Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/Đi-ô-xin Hải Phòng Nguyễn Hữu Ý trăn trở: "Phải có cách giúp giải quyết số nạn nhân không còn nơi nương tựa, không còn người chăm sóc sao cho nhân văn nhất, không thành gánh nặng cho địa phương và cộng đồng. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tốt hơn, đưa các nạn nhân vào cơ sở nuôi dưỡng tập trung, có đội ngũ chuyên nghiệp, chăm sóc hàng ngày" .

Chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt: Cần nhân văn, nghĩa tình - Ảnh 4.

Đại diện MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng, Hội Nạn nhân Da cam/Đi-ô-xin tặng quà nạn nhân nhiễm chất độc da cam (thế hệ con) tại phường Thành Tô.

Hiện Hải Phòng không có nơi nuôi dưỡng nạn nhân nhiễm chất độc da cam riêng, việc xây dựng một trung tâm riêng hết sức tốn kém, cần chủ trương từ trung ương đến thành phố, mất nhiều thủ tục, thời gian. Do đó chỉ có thể đưa các nạn nhân da cam vào chăm sóc tập trung tại cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố. Tại đây có đội ngũ điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội có nghề, có kỹ năng sẽ chăm sóc tốt hơn. 

Làm được điều này cần chủ trương từ thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương và ngành lao động - thương binh và xã hội trong việc xem xét nhu cầu của từng trường hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục. Ngoài phần phụ cấp hàng tháng của nhà nước ưu đãi các nạn nhân, thành phố nghiên cứu, xem xét hỗ trợ thêm kinh phí, cấp cho cơ sở nuôi dưỡng trực tiếp nạn nhân để bảo đảm nhu cầu của cuộc sống, nạn nhân được chăm sóc trong suốt cuộc đời.