Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chào đón 1.400 tân sinh viên và khởi động dự án “Tự tin lập nghiệp”

Sáng 27/10, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (HNIVC) đã tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2022- 2023, chào đón gần 1.400 tân học sinh, sinh viên; đồng thời, khởi động dự án “Tự tin lập nghiệp” cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Các đại biểu bấm nút khởi động Dự án Tự tin lập nghiệp do Ngân hàng Standard Chartered Foundation tài trợ.

Các đại biểu bấm nút khởi động Dự án "Tự tin lập nghiệp" do Ngân hàng Standard Chartered Foundation tài trợ.

Tham dự sự kiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng vui mừng khi giai đoạn 1 của Dự án “Tự tin lập nghiệp” đã thành công với 4.800 thanh niên độ tuổi từ 16 đến 29 (với 40% là nữ) được đào tạo và hỗ trợ kỹ năng sống, bình đẳng giới, cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu trong thời kỳ hậu Covid-19. 1.146 thanh niên được đào tạo kỹ năng nghề, trong đó có những thanh niên đã đạt được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2022. Hơn 30 DN cam kết tuyển dụng và đang hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm, đặc biệt là hướng tới nhóm đối tượng nữ thanh niên; gần 1.200 thanh niên đã được kết nối việc làm thông qua các buổi tuyển dụng.

Không chỉ vậy, Dự án còn hỗ trợ nhà trường về cơ sở vật chất, xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình, bồi dưỡng, tập huấn nhà giáo về dạy học trực tuyến, bình đẳng giới, kết nối DN, thực hiện các sự kiện tuyển dụng tạo cơ hội việc làm cho người học.

Giai đoạn 2 của dự án trong năm 2022 - 2023 với kinh phí trên 2,2 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ giới được trang bị các kỹ năng và cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu trong và sau đại dịch Covid-19 và nền kinh tế kỹ thuật số.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Thông tin về giai đoạn tiếp theo của Dự án, Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho biết: Giai đoạn 2 của dự án hướng tới mục tiêu hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là nữ giới được trang bị các kỹ năng và cơ hội việc làm phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế số. “Nhà trường có kế hoạch đào tạo 150 học viên học nghề ngắn hạn thuộc nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế, nhóm khuyết tật khiếm thính, khiếm thị. Đồng thời, tập huấn kỹ năng mềm, hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp cho 450 học viên; tập huấn nhạy cảm giới, kết nối việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp” – bà Phạm Thị Hường cho hay.

Trước thềm năm học mới 2022 - 2023, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng bày tỏ mong muốn: Nhà trường tiếp tục thực hiện tốt công tác tự chủ, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý; tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo theo hướng phát triển người lao động toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường lao động trong nước, quốc tế; đổi mới, thay đổi phương thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, đảm bảo phù hợp với các đối tượng người học, trong đó chú trọng phát triển mạnh mô hình đào tạo kết hợp với doanh nghiệp và đào tạo trong doanh nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia các dự án hỗ trợ đào tạo nghề từ các tổ chức trong và ngoài nước; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên đào tạo chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Trong thời gian tới, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ có uy tín, chất lượng, góp phần tích cực trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể thuộc trường và 2 cá nhân.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể thuộc trường và 2 cá nhân.

Bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ niềm vui, chào đón gần 1.400 tân học sinh, sinh viên (1.000 sinh viên cao đẳng và 384 học sinh trung cấp, học song bằng). Các em đã tin tưởng lựa chọn học nghề và nơi đây sẽ là hành trang vun đắp kỹ năng nghề nghiệp cho tương lai phía trước.

Đánh giá năm học 2021 - 2022, dù gặp những khó khăn lớn của dịch Covid-19 nhưng với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, thầy trò nhà trường vẫn đảm bảo và hoàn thành mục tiêu dạy, học: Nhà trường đã tổ chức trao bằng tốt nghiệp Kỹ sư và cử nhân thực hành cho 585 sinh viên trình cao đẳng và 422 trình độ trung cấp. 95% học sinh, sinh viên có việc làm và thu nhập ổn định.

Nhà trường đã và đang khẳng định là một cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ lực của Thủ đô, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Năm học 2021 - 2022, trên 1.500 học sinh, sinh viên đăng ký vào trường học, tăng quy mô lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy chất lượng và uy tín của nhà trường được xã hội ghi nhận. Trung bình hàng năm, trên 90% sinh viên ra trường có ngay việc làm tại các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Vinfast, Daikin, Vietel, Samsung, Huyndai và nhiều công ty, doanh nghiệp khu vực phía Bắc phục vụ cho phát triển Thủ đô và đất nước. Trong đó, một số cựu sinh viên của nhà trường làm việc tại doanh nghiệp được vinh danh là công dân tiêu biểu. Điển hình như cựu sinh viên Nguyễn Hoài Ngọc (K42, Cắt gọt kim loại) làm việc tại Công ty Canon là một trong 10 công dân ưu tú tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Trao học bổng cho các sinh viên nghèo vượt khó

Trao học bổng cho các sinh viên nghèo vượt khó

Chất lượng đào tạo của nhà trường còn khẳng định có nhiều sinh viên đạt thành tích cao tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế. Năm 2021, nhà trường có 10 thí sinh dự thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 19, đạt 4 thí sinh đạt Huy chương Vàng, 3 thí sinh đạt Huy chương Bạc, 1 thí sinh đạt Huy chương Đồng và 1 thí sinh đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.