Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chất lượng nhân lực- vấn đề “sống còn” của ngành thang máy

Hội thảo “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy Việt Nam” lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào sáng ngày 13/7 tới đây tại Hà Nội. Đây sẽ là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, đại diện tổ chức người lao động thảo luận về tính cấp thiết của việc nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành thang máy Việt Nam.

Thang máy là sản phẩm có đặc thù kỹ thuật phức tạp, công nghệ liên tục đổi mới và là hàng hóa thuộc nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn lao động). Không chỉ lao động kỹ thuật ngành thang máy cần có kỹ năng chuyên môn phức tạp mà môi trường làm việc với thang máy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn lao động.

Theo QCVN 02:2019/BLĐTBXH quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, những người làm các công việc liên quan đến lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy phải am hiểu về nguyên lý cấu tạo của thang máy, được huấn luyện về an toàn lao động và nắm được các kỹ năng để thực hiện các công việc do mình thực hiện. Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ năng nghề đối với những người làm việc liên quan đến thang máy nêu trên vẫn chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Kiểm định thang máy công trình xây dựng

Kiểm định thang máy công trình xây dựng

Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” là sự kiện đầu tiên của ngành thang máy về các vấn đề: thiết lập hệ thống đào tạo, đánh giá, nâng cao chất lượng chuyên môn và đạo đức cho lực lượng lao động, nghiên cứu và tiếp nhận khoa học, công nghệ từ nước ngoài, phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành để tăng năng suất lao động, xây dựng dịch vụ tốt và hướng tới mục tiêu xuất khẩu thang máy Việt Nam, xuất khẩu chuyên gia lao động ra thị trường quốc tế,…

Theo  Hiệp hội Thang máy Việt Nam, đây sẽ là cơ hội để tất cả các đơn vị, đối tượng liên quan đến ngành thang máy nói lên tiếng nói của mình, bàn bạc và xây dựng phương hướng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy, trong đó có mục tiêu xây dựng Bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia ngành thang máy. Đây là tiền đề cơ bản để chuẩn hóa lực lượng lao động của ngành.