Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Châu Âu tiếp tục rơi vào khủng hoảng vì covid-19

(Dân sinh) - Châu Âu sắp phải đối mặt mới một cuộc suy thoái kinh tế thậm chí còn lớn hơn trước, do hàng loạt nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, Anh đã tiến hành áp dụng "Lệnh đóng cửa" do dịch bệnh COVID-19. Sự gia tăng ca mắc Covid-19 mới khiến bản đồ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở châu Âu gần như bôi đỏ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết các cơ quan chức năng nước này quyết định thực hiện một đợt cách ly phòng dịch nghiêm ngặt mới đối với người dân bắt đầu từ ngày 2/11. Các hạn chế mới bao gồm đóng cửa các quán bar, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim.

Thủ tướng Đức thừa nhận rằng số ca nhiễm coronavirus mới ở trong nước đã đến mức gia tăng theo cấp số nhân. Đức đang ở trong giai đoạn rất nghiêm trọng của đại dịch, chính phủ nước này đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Người đứng đầu Chính phủ Đức cảnh báo, nhiệm vụ nặng nề nhất là phải đảm bảo truy vết được các mối tiếp xúc. Nếu không hành động kịp thời, hệ thống y tế của nước này có thể sụp đổ.

Châu Âu tiếp tục rơi vào khủng hoảng vì covid-19 - Ảnh 1.

Châu Âu tiếp tục rơi vào khủng hoảng vì covid-19

Tại Pháp, chế độ cách ly cũng được áp dụng trên toàn quốc từ ngày 30/10 đến ngày 1/12. Sau đó, tùy theo tình hình dịch bệnh COVID-19 mà lệnh này sẽ được gia hạn hoặc hủy bỏ. Theo đó, các cơ sở công cộng, trường đại học sẽ bị đóng cửa, hoạt động hội họp, tụ tập đông người sẽ bị hạn chế. Các trường mẫu giáo, trường học phổ thông, cao đẳng và trường tư vẫn mở cửa, nhưng phải tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch - baodatviet đưa tin.

Các nhà kinh tế dự đoán, các biện pháp hạn chế sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp giảm đáng kể trong quý IV, có thể sụt giảm tới mức 3-4%. Các biện pháp kiểm dịch cũng sẽ làm giảm GDP của Đức ít nhất là 0,5% so với quý trước.

Theo nld, trước số liệu dịch bệnh ngày càng ảm đạm hơn bao giờ hết, Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định tái phong tỏa nước Anh trong vòng 4 tuần, bắt đầu từ ngày 5/11 và kéo dài đến ít nhất ngày 2/12. So với đợt phong tỏa hồi tháng 3, lệnh phong tỏa lần này ít khắc nghiệt hơn khi các trường học vẫn mở cửa, di chuyển sang các vùng khác vẫn được phép nếu công việc yêu cầu. "Nếu không, chúng ta có thể chứng kiến số trường hợp tử vong vì Covid-19 lên đến vài ngàn ca/ngày ở Anh", ông Johnson cảnh báo, sau khi giới khoa học nước này lên tiếng báo động rằng tốc độ lây lan dịch bệnh đã vượt xa mọi dự đoán tồi tệ nhất.

Tuy nhiên, Thị trưởng London Sadiq Khan chỉ trích chính phủ Anh đã đưa ra quyết định quá trễ, đẩy nước này vào tình thế mất đi nhiều tuần quý giá. Trong 7 ngày qua, Anh chứng kiến trung bình 226 ca nhiễm mới trên mỗi 100.000 người, và có thể còn tệ hơn. Anh đang ghi nhận trung bình hơn 22.600 ca Covid-19/tuần, hơn xa số liệu khoảng 4.800 ca Covid-19/tuần vào thời điểm dịch đạt đỉnh lần đầu tiên hồi đầu năm.

Hy Lạp, Áo cũng tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19. Đức, Bỉ và Ireland cũng phong tỏa một phần để cố gắng giữ bệnh viện không bị quá tải trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 thứ hai tăng mạnh tại châu Âu.

Tại Tây Ban Nha, trong lúc đa số 17 vùng ở nước này đang đồng loạt đóng cửa ranh giới để ngăn chặn Covid-19 lây lan, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez lên án một loạt cuộc biểu tình bạo lực tại nhiều thành phố nhằm phản đối các biện pháp phòng chống Covid-19 của chính phủ. Các vụ đụng độ giữa những đám đông quá khích và cảnh sát chống bạo động tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Riêng tại Slovakia, nước này đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho nửa dân số nước này chỉ trong ngày 1/11 cho 2,58 triệu người dân, và 25.850 trường hợp dương tính đã được cách ly. Slovakia có dân số 5,5 triệu người và chính phủ nước này đặt mục tiêu xét nghiệm tối đa cho dân số, trừ trẻ em dưới 10 tuổi. Hơn 40.000 bác sĩ, quân nhân, cảnh sát, tình nguyện viên đã hoạt động tại 5.000 địa điểm xét nghiệm trên toàn Slovakia. Chính phủ Slovakia dự kiến tiến hành vòng xét nghiệm thứ hai vào cuối tuần tới.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến nay, thế giới ghi nhận 46.809.252 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.205.194 trường hợp tử vong và 33.753.770 bệnh nhân bình phục. Hiện còn 85.244 ca nặng, nguy kịch trên tổng số 11.850.288 bệnh nhân đang phải điều trị.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 tại nhiều khu vực trên thế giới đang đe dọa khả năng chịu đựng của hệ thống y tế trong việc đối phó với làn sóng dịch thứ hai.

Theo WHO, nhiều chính phủ đang phải vật lộn để cân bằng giữa các biện pháp hạn chế chống dịch mới với việc phục hồi các nền kinh tế vốn đang rơi vào trì trệ do ảnh hưởng từ các biện pháp cách ly hà khắc từ những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, sự chán nản của người dân trước các biện pháp cách ly chống dịch, cùng với những khó khăn kinh tế đã khiến cho việc thực hiện các biện pháp hạn chế mới càng trở nên khó khăn.