Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chè VietGAP và chè hữu cơ: hướng đi mới cho cây chè tại Thái Nguyên

Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, tỉnh đã sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất an toàn hữu cơ đạt chuẩn Organic cho ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Thái Nguyên là một trong những vùng sản xuất chè lớn của cả nước, với diện tích gần 22 nghìn ha. Chè là cây trồng chủ lực giúp người nông dân tại đây ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế. Để nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ chè, tỉnh đã sản xuất chè tập trung theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, sản xuất an toàn hữu cơ đạt chuẩn Organic cho ra các sản phẩm trà chất lượng cao, an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Tỉnh có vùng trồng chè tập trung, chế biến, đóng gói, tiêu thụ mang tính chất chuyên nghiệp tại các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và TP Thái Nguyên. Tại huyện Đại Từ, chè là cây trồng chủ lực với hơn 6.300 ha, chiếm gần 25% diện tích chè của toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giúp gia tăng năng suất, chất lượng chè, bình quân mỗi héc-ta đạt doanh thu từ 400 - 500 triệu đồng/ năm, sản xuất chè cao cấp đạt gần một tỷ đồng/ha/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn hơn 6%.

Nhằm góp phần xây dựng thương hiệu chè Đại Từ, hỗ trợ kinh tế người dân từ năm 2007, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) - doanh nghiệp do Công ty Cổ phần Masan High-Tech Materials (MHT) sở hữu 100% vốn - đã mời các tư vấn kỹ thuật nổi tiếng chuyên về cây chè hướng dẫn người dân "Canh tác chè theo hướng bền vững". Công ty Núi Pháo đã phối hợp với phòng, ban chuyên môn, các các xã, thị trấn của huyện Đại Từ tổ chức 5 đợt thăm quan học tập các mô hình điểm về sản xuất chè tại xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên); mô hình sản xuất chè an toàn, hữu cơ, mô hình nuôi chim bồ câu... cho trên 400 hộ dân trên địa bàn.

Chè VietGAP và chè hữu cơ: hướng đi mới cho cây chè tại Thái Nguyên - Ảnh 1.

Tính đến nay, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP mà Công ty Núi Pháo hỗ trợ là 91ha cho gần 400 hộ dân.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đại Từ, tính đến nay, diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP mà Công ty Núi Pháo hỗ trợ là 91ha cho gần 400 hộ dân thuộc 14 tổ hợp tác trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, chiếm 21% tổng diện tích chè toàn huyện.

Tuy nhiên, đứng trước thực tế hiện nay, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong lựa chọn sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với quy trình sản xuất thân thiện với môi trường thì nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm chè hữu cơ song song với VietGAP.

Tiếp tục hỗ trợ người dân nơi đây phát triển ngành chè, Công ty đã nỗ lực kết nối, thực hiện các cuộc họp tham vấn, khảo sát thực địa, đánh giá nhu cầu và thăm quan thực tế các mô hình thành công tại huyện Đồng Hỷ và huyện Phú Lương với các đơn vị nhà nước, tư nhân, nông dân và các nhà khoa học để đạt được một cam kết chung về phát triển mô hình chè hữu cơ tại xóm 10 xã Tân Linh. Các bên cam kết đóng góp nguồn lực, kiến thức, khoa học kỹ thuật để chuyển đổi 10 ha chè xóm 10 Tân Linh thành vùng chè hữu cơ. Dự án được triển khai trong 3 năm (2019-2021) và không chỉ tạo ra vùng nguyên liệu chè hữu cơ lớn nhất tỉnh Thái Nguyên mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững và an toàn hơn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Quốc Trưởng – xóm 10 xã Tân Linh, huyện Đại Từ (là một trong năm mươi hộ gia đình xóm 10 xã Tân Linh tham gia tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ): Sản xuất theo quy trình hữu cơ người dân thấy an toàn cho sức khỏe, sản phẩm được thị trường đón nhận, đây lại là xu hướng chung của nền nông nghiệp...Do vậy, 50 hộ gia đình xóm 10 xã Tân Linh đã ký cam kết sản xuất chè an toàn, chuyển đổi dần từ chè VietGAP, chè thông thường sang chè hữu cơ. Làm chè hữu cơ không phải nói làm là làm ngay được mà phải kiên trì theo đuổi. Mong rằng các đơn vị chuyên môn và Công ty Núi Pháo luôn đồng hành, hỗ trợ người dân Tân Linh xây dựng thành công vùng sản xuất chè hữu cơ, góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương.

Năm 2019, Công ty Núi Pháo phối hợp với các đơn vị hỗ trợ vận hành trong giai đoạn thành lập (tổ chức các buổi tập huấn, tham quan học tập, làm việc với các cơ quan nhà nước về việc thành lập HTX). Năm 2020, Công ty triển khai thực hiện hỗ trợ về cơ sở vật chất như khung lưới che mát cho chè, ống tưới tiết kiệm và một phần phân bón, cơ sở vật chất ... Bên cạnh đó, Công ty chủ động phối hợp với các đơn vị hỗ trợ hoàn thiện các văn bản thủ tục liên quan đến quyền lợi người sản xuất để người dân an tâm sản xuất chè hữu cơ.