Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chỉ khi hiện thực hóa tự do tài chính mới có được tất cả

Nếu không hiện thực hóa được tự do tài chính là sẽ không thể đưa ra quyết định lớn lao ư, vậy thì trên thế giới này chẳng phải sẽ bớt đi rất nhiều những con người thú vị đem tới những cống hiến độc đáo và sáng tạo sao?

Rất nhiều người luôn nghĩ rằng chỉ cần hiện thực được tự do tài chính là có thể du ngoạn tứ phương, thực hiện được giấc mơ bay nhảy của mình, hay đơn thực tế hơn là tậu cho mình một ngôi biệt thự, một ngôi nhà cạnh biển, ngày ngày nằm phơi nắng, không phải lo cơm áo gạo tiền, cuộc đời tươi đẹp biết mấy!

Tự do tài chính không thể đem lại cho bạn sự tự do đích thực, chỉ khi bạn có một tâm hồn tự do, khi ấy bạn mới thực sự tự do.

Và nếu bạn thực sự muốn làm một việc gì đó, hoàn toàn không cần thiết phải chờ đợi tới khi tự do tài chính mới có thể làm được.

Lời nói dối thứ nhất
Tự do tài chính là điều kiện tất yếu nếu muốn đi làm việc mình thích

Liên quan tới cái gọi là "tự do tài chính", chúng ta thường nói như này: "Đợi tới khi có nhiều nhiều tiền rồi, tôi có thể đi làm điều mình thích rồi, tiếc là hiện tại vẫn chưa thể."

Nhưng thực sự là như vậy ư?

Nếu không hiện thực hóa được tự do tài chính là sẽ không thể đưa ra quyết định lớn lao ư, vậy thì trên thế giới này chẳng phải sẽ bớt đi rất nhiều những con người thú vị đem tới những cống hiến độc đáo và sáng tạo sao?

Muốn làm việc bạn muốn, thực ra không cần phải trực tiếp nghỉ việc, vẫn có hai con đường cho bạn lựa chọn:

Thứ nhất: Kiểu song hành

Ý muốn nói, bạn có thể nỗ lực làm việc, nỗ lực kiếm tiền trong giờ hành chính; nhưng vào thời gian ngoài 8 tiếng đồng hồ đó ra, bạn vẫn có thể làm việc mà mình thích, hai cái cùng "kề vai sát cánh".

Đợi tới một ngày nào đó, khi thời cơ đã chín muồi, bạn sẽ có thể có được công việc mà mình yêu thích rồi.

Chẳng hạn, tiểu thuyết gia Nhật Bản nổi tiếng Haruki Murakami đã làm như này.

Ban đầu ông cùng vợ kinh doanh cửa hàng, bỗng một ngày nọ, ông phát hiện ra mình muốn viết tiểu thuyết, vậy là bắt đầu vừa trông hàng vừa viết tiểu thuyết.

3 năm sau, ông mới quyết định sang nhượng cửa hàng, trở thành một tiểu thuyết gia chuyên nghiệp.

Thứ hai: Kiểu lý tưởng

Ý muốn nói, nếu bạn có nhiệt huyết lớn lao, sự kiên định đủ lớn và một viễn cảnh rõ ràng, vậy thì bạn có thể đi theo con đường mà mình thực sự yêu thích.

Đợi tới khi làm nó tới mức độ thật tốt, sẽ có người chủ động hồi đáp lại bạn, đây chính là kiểu lý tưởng.

Chẳng hạn, nhà động vật học nổi tiếng thế giới, Jane Morris Goodall, ban đầu bà quyết tâm theo đuổi nhiệt huyết và lý tưởng của mình, cũng vì vậy mà bà từ bỏ đi rất nhiều những nhu cầu về vật chất.

Cuối cùng, vì những thành tựu và cống hiến to lớn của mình, những đảm bảo về vật chất và kinh tế âm thầm đã tới với bà. Đây chính là mô hình kiểu lý tưởng.

Lời nói dối thứ hai
Tự do tài chính giúp tôi có được mục tiêu tự do cuối cùng

Thế nào mới thực sự là tự do?

Sự tự do về tâm hồn ắt hẳn cao cấp hơn tự do về tài chính rất nhiều.

Người tự do, độc lập về tài chính, chưa chắc tâm hồn đã tự do, nhưng một khi tinh thần đã tự do thì dù không có tự do về vật chất, vẫn có thể cảm thấy tự do mọi lúc mọi nơi.

Nói về tự do trong tâm hồn, cuốn sách "Man’s search for meaning" (tựa Việt: Đi tìm lẽ sống) của tác giả Viktor Frankl đã lý giải rất đầy đủ về điều này.

Trong thời kỳ Đức Quốc xã, Nhà tâm lý học Frankl và gia đình ông đều bị giam trong trại tập trung Auschwitz, cha mẹ, vợ và anh trai của ông đều chết trong phòng hơi độc, chỉ có ông và em gái là sống sót.

Trong toàn bộ quá trình, ông bị tước bỏ mọi tự do, tự do thân thể, tự do trò chuyện, tự do đọc sách, chứ đừng nói tới tự do về tiền bạc.

Nhưng ông lại nói với chúng ta rằng:

Mọi thứ mà con người sở hữu đều có thể bị tước đoạt, chỉ có tự do duy nhất của con người, đó là sự tự do trong lựa chọn thái độ và phương thức sống khi gặp khó khăn, là không bị tước đoạt.

Vì vậy, dù có phải chịu đựng những tổn thương và đau đớn đến tột cùng, Frankl vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống.

Ở tuổi 67, ông bắt đầu học lái máy bay, và ở tuổi 80, ông đã leo lên dãy Alps.

Ông là người sống với một "tâm hồn tự do" đích thực.

Có thể nói, tự do về tâm hồn là cảnh giới sống cao nhất của một người, cũng có thể nói "tự do tâm hồn" chính là sự giác ngộ, mở ra một lẽ sống mới.

Lời nói dối thứ ba
Tự do tài chính mới là mục tiêu cuối cùng

Thực ra, sau khi đã tự do tài chính, bạn vẫn sẽ phải đối mặt với cuộc sống không thể nào thực tế hơn.

Bạn của khi đó, có lẽ không cần phải "đi 9h về 5h", nhưng tôi dám cá là chưa tới nửa năm, bạn sẽ chán ngấy cái cuộc sống rảnh rỗi, không có mục tiêu như vậy của mình.

Bởi lẽ, con người ta không thể nào cứ sống cho qua ngày mà không có mục tiêu gì được. Giống như Friedrich Nietzsche từng nói: "Người biết vì sao mình sống mới có thể sinh tồn."

Vì vậy, giả sử bạn đã hiện thực hóa được mục tiêu tự do tài chính, vậy bạn nhất định sẽ vẫn phải đặt ra mục tiêu tiếp theo cho cuộc đời mình.

Nếu không, sức sống của bạn sẽ dần khô héo trong một đống đồng tiền vô tận, và cuộc đời cũng vô thức mà trở nên nhạt nhẽo tới vô vị.

Có một mục tiêu khác, đồng nghĩa với việc bạn sẽ lại phấn đấu vì nó, và đương nhiên kéo theo đó sẽ lại là vô số những khó khăn, phiền não, vấp ngã mới xuất hiện trước mặt bạn.

Một hôm, tôi nói chuyện với một người bạn, cậu ấy nói gần đây hơi bị đắm chìm vào một trò chơi, nói là chơi mãi mà không qua được ải.

Thế là cậu ấy bỏ tiền ra trang bị, ai ngờ rất nhanh đã qua cửa rồi.

"Qua ải" vốn dĩ là mục tiêu phấn đấu của cậu ấy, nhưng không ngờ là sau khi "qua ải" rồi, sự đam mê với trò chơi trước đó của cậu ấy cũng dần biến mất với hai chữ "qua ải", cảm giác trò chơi trở nên khá nhạt nhẽo.

Vì sao?

Bởi lẽ, so với việc mục tiêu đã thành, quá trình mới là điều quý giá hơn.

Quá trình tuy đem lại cho bạn đả kích, nhưng nó cũng đem lại cho bạn sự vui vẻ; nó vừa khiến bạn lo lắng, nhưng cũng vừa khiến bạn nhiệt huyết, hạnh phúc.

So với "tự do tài chính", quá trình bạn tiến tới với những viễn cảnh mà mình mong muốn, đó mới là mục tiêu cuối cùng.

Hạnh phúc, ý nghĩa, thỏa mãn, giá trị quan… rất nhiều thứ đều xuất hiện trong quá trình ấy.

Lời nói dối thứ tư
Tự do tài chính có thể được hiện thực hóa

Một nhà tư vấn tài chính từng nói:

"Vì sao rất nhiều người chẳng buồn động lòng với máy bay tư nhân? Bởi lẽ trước mắt họ không thể mua được nó. Nhưng vì sao lại có rất nhiều người muốn đến Maldives? Bởi vì mua vé xong là đi được rồi!

Chỉ cần trên thế gian này vẫn tồn tại những người búng tay một phát là có được thứ gì đó, vậy thì tiền vĩnh viễn không bao giờ là đủ tiêu, tài chính vĩnh viễn không thể tự do.

Bất kể tiền này tới từ thu nhập lao động hay thu nhập đầu tư."

Chỉ cần bạn muốn cái gì là được cái đó, bạn sẽ luôn luôn nghĩ "cái kia" mới thực sự là tự do tài chính.

Giống như nhà tâm lý học Frankl đã từng nói với sinh viên của mình rằng:

"Đừng chỉ nghĩ tới thành công, bạn càng nghĩ tới thành công, bạn sẽ càng dễ dàng thất bại. Thành công cũng giống như hạnh phúc vậy, có thể gặp nhưng không thể cưỡng cầu.

Nó là một sản phẩm tự nhiên, một sản phẩm phái sinh của một người cống hiến bản thân cho một sự nghiệp vĩ đại một cách không có chủ ý, hoặc một sản phẩm phụ của việc cống hiến cho người khác.

Hạnh phúc sẽ đến, thành công cũng vậy, chúng thường đến một cách vô thức, không có chủ ý.

Tôi mong rằng mọi hành vi của các bạn đều nghe theo lương tâm, đồng thời dùng tri thức đi hiện thực hóa nó.

Sẽ có một ngày bạn phát hiện ra, tất nhiên là sau một khoảng thời gian dài, chú ý, cái tôi nói ở đây là sau một khoảng thời gian dài.

Khi mà bạn không chú ý tới, thành công đã đến bên bạn lúc nào không hay."

Vì vậy, "tự do tài chính" không phải điều kiện tất yếu để bạn có thể đi làm công việc mà mình yêu thích, cũng không phải mục tiêu cuối cùng của cuộc đời bạn.

Chỉ khi bạn nhận thức được mong muốn của mình, chỉ khi bạn đang theo đuổi một thứ gì đó "cao cả" hơn nó, nó mới có thể thực sự thành hiện thực.