Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chim bồ câu đã xâm chiếm toàn bộ các thành phố của Mỹ như thế nào?

Tại các thành phố lớn của Mỹ, chim bồ câu là một... thế lực đáng sợ. Như ở New York, ước tính có đến 8 triệu con chim câu đang sinh sống, nghĩa là tỉ lệ 1:1 so với dân số thành phố.

Hàm là sự vật trên đời, ắt sẽ có kẻ thích người ghét. Chim bồ câu cũng vậy. Người thấy chúng đáng yêu. Người khác lại thấy ghét, cho rằng chúng bẩn thỉu, hôi hám. Có người thậm chí còn thấy sợ, vì đôi khi những chú chim thật hung hăng.

Nhưng dù thuộc nhóm nào thì thực chất cũng chẳng quan trọng lắm. Chim bồ câu tồn tại ở rất nhiều thành phố trên thế giới và bạn sẽ phải chịu đựng chúng theo cách này hay cách khác. New York (Mỹ) chẳng hạn, bồ câu thậm chí đã trở thành loài chim bản địa ở đây dù có nguồn gốc từ cách đó nửa vòng Trái đất (Bắc Phi, Trung Đông, châu Âu...) và chỉ mới được nuôi trong khoảng 5.000 năm gần đây.

Đông đến mức không thể chịu nổi: Chim bồ câu đã xâm chiếm toàn bộ các thành phố của Mỹ như thế nào? - Ảnh 1.

Loài chim xâm chiếm cả nước Mỹ

Ban đầu, con người nuôi bồ câu để làm thức ăn. Chúng là một nguồn bổ sung protein cực ổn, giống như gà vậy. Chưa kể, bồ câu còn có thể huấn luyện để đưa thư. Vào thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên (TCN), người Hy Lạp sử dụng chim câu để chuyển kết quả thi Olympic đến các thị trấn, thành phố lân cận.

Và tới thế kỷ 16, chim câu chạm đến thời cực thịnh. Người ta nuôi chúng theo sở thích, hoặc để trình diễn. Thậm chí như Hoàng đế Akbar tại Ấn Độ còn nuôi tới 10.000 con chim câu, với mục đích để... sưu tầm.

Nhìn chung, con người và bồ câu có một mối liên hệ hết sức chặt chẽ. Đó là lý do vì sao khi người châu Âu khai phá Bắc Mỹ vào thế kỷ 17 đã mang theo loài chim này. Và chẳng ai ngờ rằng, chúng thích nghi rất nhanh.

"Chúng đã bỏ trốn khỏi chủ nuôi - đó là cách để hình thành những đàn chim hoang tại các thành phố trên toàn thế giới" - theo Elizabeth Carlen, nhà sinh học chuyên nghiên cứu chim bồ câu tại ĐH Fordham (Mỹ).

Đông đến mức không thể chịu nổi: Chim bồ câu đã xâm chiếm toàn bộ các thành phố của Mỹ như thế nào? - Ảnh 2.

Khi bỏ trốn thành công, số lượng chim câu tại các thành phố đã bùng nổ. Carlen cho biết, nguyên nhân vì các thành phố cung cấp một môi trường hoàn hảo như "đo ni đóng giày" cho chúng. Chúng có thể sinh tồn bằng bất kỳ thứ gì, kể cả thức ăn bỏ đi từ loài người.

"Chúng ta có thể thấy bồ câu ăn được mọi thứ, từ cơm, bánh mì, thậm chí cả bánh doughnut. Chúng có khả năng sinh tồn từ thức ăn thừa của con người và nhờ vậy sống sót thành công trong các thành phố lớn" - Carlen chia sẻ thêm. Đó là chưa kể đến việc con người cũng chủ động cho chúng ăn nữa.

Nhờ vậy, chim bồ câu không phải tốn quá nhiều thời gian để tìm thức ăn. Thời gian ấy chúng dùng để sinh sản - việc hoàn toàn có thể thực hiện mà chẳng cần tới cây cối. Bởi lẽ trong tự nhiên, chim bồ câu xây tổ trên những vách đá cũng được, mà thành phố thì có quá nhiều vách đá như thế dưới dạng nhà cao tầng.

Bên cạnh đó, còn những lý do nữa giúp bồ câu phát triển cực mạnh trong các thành phố. Đó là khả năng định vị đỉnh cao, ngay cả trong thế giới loài chim.

Nhờ khả năng điều hướng, chim bồ câu có thể tìm đường về nhà dù có đi xa tới cả ngàn cây số. Và khả năng này hỗ trợ rất tốt cho việc sinh sống trong địa hình phức tạp của các thành phố.

Đông đến mức không thể chịu nổi: Chim bồ câu đã xâm chiếm toàn bộ các thành phố của Mỹ như thế nào? - Ảnh 3.

Quá chật cho cả hai

"Có bao nhiêu con bồ câu trong các thành phố nhỉ? Tại New York thì tỉ lệ là 1:1 - nghĩa là 1 người có 1 chim, tương đương 8 triệu con. Con số này đúng hay không thì chưa bàn, nhưng cư dân chỉ biết rằng thành phố ấy không đủ lớn cho cả hai chủng loài" - Carlen cho biết.

Năm 2003 là một ví dụ. Mối quan hệ giữa người và chim tại New York trở nên căng thẳng đến mức công viên Bryant phải thuê chuyên gia về để đuổi bớt chúng đi. Và câu chuyện không chỉ xảy ra với nước Mỹ. Bangkok (Thái Lan) thậm chí còn ra quy định phạt tù với những ai cho chim ăn.

Đông đến mức không thể chịu nổi: Chim bồ câu đã xâm chiếm toàn bộ các thành phố của Mỹ như thế nào? - Ảnh 4.

Nhưng khổ nỗi, vấn đề không đơn giản như vậy. Chỉ cần con người xây dựng thành phố, chim câu sẽ xuất hiện. Trên thực tế, cách duy nhất để kiểm soát số lượng chim bồ câu - ngoại trừ việc tự tay tiêu diệt - là dựa vào các loài thiên địch của chúng.

Đến đây lại có thêm một vấn đề nữa. Tại Mỹ, đã quá lâu rồi chim bồ câu không có kẻ thù trong tự nhiên. Nguyên nhân một phần là vì chiến dịch sử dụng thuốc trừ sâu DDT mà Mỹ đã áp dụng từ thập niên 1940.

"DDT đã bào mỏng vỏ trứng của các loài chim ăn thịt - như chim ưng, diều hâu... và khiến số lượng của chúng sụt giảm" - Carlen cho biết. Dẫu vậy thì cũng thật may là năm 1972, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã ban hành lệnh cấm sử dụng DDT cũng vì lý do kể trên.

"Các loài chim ăn thịt đang quay trở lại thành phố. Và với quá nhiều thức ăn (chim câu), chắc còn lâu nữa chúng mới rời đi".