Quay lại Dân trí
Dân Sinh

'Chính phủ coi cách mạng 4.0 là đột phá nhưng có những tầm thường về công nghệ như thu phí BOT giao thông tự động vẫn không làm được'

(Dân sinh) - Tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/10, nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả tích cực về kinh tế - xã hội cũng như sự điều hành của Chính phủ, tuy nhiên cũng chỉ ra những hạn chế trong bức tranh kinh tế xã hội mà Chính phủ cần khắc phục thời gian tới.

GDP không nên là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo

Chia sẻ với ý kiến của các đại biểu nhận định về thành tích điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ thời gian qua nhưng đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cũng lưu ý nhiều chuyên gia đã cảnh báo, chỉ tiêu GDP nếu không đi kèm các đánh giá khác như: Được trả bằng giá nào, với hệ lụy gì, phân phối, phân bổ ra sao, có bền vững hay không thì sẽ chệch hướng và đánh giá sẽ không thực sự chuẩn mực. 

"Tôi ví dụ, chúng ta hay nói con số doanh nghiệp đăng ký mới nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế yêu cầu xem lại doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể, rồi tình trạng doanh nghiệp trốn thuế, làm ăn không đàng hoàng, đóng cửa, tạm ngưng… Đó là những cảnh báo của Ủy ban kinh tế mà theo tôi Chính phủ cần nghiên cứu", đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý.

Vị đại biểu thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá năng lực lãnh đạo của những người có trách nhiệm ở các địa phương. Chẳng hạn, ở những vùng phên dậu của đất nước, những vùng cần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường thì không thể chạy theo GDP để đánh giá. Nếu những nơi đó mà để rừng bị tàn phá, môi trường bị hủy hoại thì phải đánh giá lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, dù tăng trưởng GDP đạt 5 hay 7%.

“Những điểm tối tuy không che lấp được  nhưng đã làm xấu đi  bức tranh sáng sủa” - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý 3 trụ cột để phát triển bền vững.

Bày tỏ sự nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Việt Nam phải có con đường phát triển riêng của mình, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, để phát triển bền vững thì phải quan tâm tới 3 trụ cột: Nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

"Muốn phát triển đất nước bền vững thì song song với việc tạo ra giá trị vật chất, phải định hướng xã hội, định hướng công dân vào 3 trụ cột đó chứ nếu chỉ định hướng bằng tiền thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào, GDP tăng lên nhưng chúng ta sẽ đánh mất chủ quyền, lệ thuộc vào kinh tế. Tôi đề ghị, xuyên suốt quá trình định hướng phát triển phải tập trung vào 3 trụ cột và đó chính là con người, nếu không chúng ta sẽ không còn có những con người mang bản sắc Việt Nam nữa", ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề chủ quyền, đại biểu cho rằng, Đảng, Nhà nước và mọi người dân đều yêu nước, đều muốn bảo vệ chủ quyền và không có sự nhân nhượng khi nói đến vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các quyền thiêng liêng của dân tộc. "Chúng ta có cả hệ thống chính trị khắp cả nước. Có thể thông qua đó để thông tin kịp thời, đầy đủ hơn về tình hình bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Có nhiều cách thức thông tin để người dân yên tâm, tin tưởng hơn vào tương lai và kết quả bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ. Điều này chúng ta cần rút kinh nghiệm và làm tốt hơn".

Trong "bức tranh sáng sủa" vẫn còn những "mảng tối"

"Đối với người viết sử như chúng tôi thì báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội là rất quan trọng. Nó không chỉ là cơ sở để đánh giá tình hình của đất nước và hoạt động của Chính phủ mà còn là tư liệu lịch sử để hậu duệ sau này được tiếp cận với thời kỳ chúng ta đang sống", đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) mở đầu bài phát biểu của mình.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến những thành tựu kinh tế quan trọng như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát với rất nhiều con số cũng như sự đánh giá của các tổ chức quốc tế…

"Là người có chức năng giám sát, tôi cũng như cử tri có thể cảm nhận được điều đó", đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

“Những điểm tối tuy không che lấp được  nhưng đã làm xấu đi  bức tranh sáng sủa” - Ảnh 2.

Đại biểu Dương Trung Quốc đề cập đến những "mảng tối" trong bức tranh kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, bên cạnh những kết quả tích cực thì trên "bức tranh toàn cảnh sáng sủa" ấy vẫn có những "mảng tối", đó là: Giữa lúc Chính phủ hối thúc cả nước coi cuộc cách mạng 4.0 là đột phá phát triển theo kịp thời đại thì có những thứ tưởng như rất tầm thường về công nghệ như thu phí BOT giao thông tự động vẫn không làm được, với rất nhiều lý do được đưa ra để câu giờ, kiếm lợi. Hay như vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo nhưng bộ máy chính quyền vẫn ngơ ngác, bao vụ lừa trên mạng vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của bộ máy công quyền. Rồi vụ Rạng Đông cho thấy chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trong khu dân cư đã triển khai từ lâu nhưng nay vẫn dậm châm tại chỗ. Hay việc cả triệu người dân Thủ đô lao đao do nguồn cung cấp nước sạch bị nhiễm bẩn kéo dài cả tuần khi đó cả xã hội mới giật mình về cách quản lý tắc trách của Nhà nước với vấn đề sinh tử của dân…

"Những điểm tối đó tuy không che lấp được nhưng đã làm xấu đi bức tranh sáng sủa của những thành công chung mà Chính phủ và Nhân dân đã dày công phấn đấu", đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.