Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chớm hè đã xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm

Có trẻ đã lớn vẫn bị đuối nước và có thể để lại di chứng nặng nề ở não, ảnh hưởng đến khả năng vận động, lời nói và sự phát triển của trẻ.

Thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, trẻ em rất thích đi bơi ở hồ hơi hay sông suối để hạ nhiệt và đây cũng là trò chơi thú vị trong những ngày hè. Nhưng cũng như mọi năm, hè đến cũng là lúc xuất hiện các ca đuối nước ở trẻ vô cùng thương tâm, ngay cả những trẻ biết bơi cũng vẫn bị.

Theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc, 1h20 phút sáng ngày 05 tháng 6, khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bé N.Đ.K 11 tuổi (ở Gia Khánh – Bình Xuyên – Vĩnh Phúc) bị đuối nước trong tình trạng rất nặng: suy hô hấp nặng, phù phổi, nhiều bọt hồng qua ống nội khí quản, có dấu hiệu phù não, co giật. Bệnh nhi đã được dùng thuốc trợ tim, bóp bóng qua ống Nội khí quản, đặt sonde dạ dày, theo dõi dấu hiệu sinh tồn qua Monitor, theo dõi các xét nghiệm.

Mới đầu hè đã xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm, kể cả ở trẻ lớn tuổi đã biết bơi - Ảnh 1.

Bé T.T.T bị đuối nước và phải cấp cứu trong tình trạng nặng.

Sau hơn 3 tiếng xử trí cấp cứu giành giật sự sống cho bé, tình trạng ổn hơn một chút, nhưng bé bắt đầu sốt và tiên lượng vẫn còn rất nặng.

Người nhà bệnh nhi kể, vào khoảng 16h30 - 17h30 bé K. cùng với 2 trẻ khác ở gần nhà đi tắm ao làng, 1 trẻ đã tử vong rất thương tâm.

Trước đó, vào ngày 30 tháng 4 năm 2020, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc cũng tiếp nhận trường hợp bé T.T.T (2 tuổi, ở Đồng Văn, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cũng bị đuối nước vào viện trong tình rất nặng (tím tái, thở ngáp, có dấu hiệu phù phổi cấp, suy tuần hoàn). Các bác sĩ và bệnh nhi đã trải qua những ngày thật khó khăn vật lộn để giành sự sống. Và may mắn đã mỉm cười với bé, sau 2 tuần điều trị, bệnh nhi ổn định và được xuất viện với tình cảm yêu thương của gia đình.

Mới đầu hè đã xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm, kể cả ở trẻ lớn tuổi đã biết bơi - Ảnh 2.

Phòng tránh đuối nước cho trẻ bằng cách nào?

Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc đưa ra một số khuyến cáo sau đây để phòng tránh đuối nước cho trẻ:

- Tuyệt đối không cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông suối nơi có chứa nhiều nước khi không có sự giám sát của người lớn.

- Không cho trẻ tắm sông, nhảy cầu.

- Trẻ phải mặc áo phao khi tham gia các loại hình giao thông đường thủy.

- Cho trẻ làm quen với nước, trang bị cho các em kỹ năng bơi lội, các kỹ năng cần thiết khi gặp đuối nước và cách cấp cứu những người bị đuối nước.

- Gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những xô nước, thùng nước, hoặc đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Sơ cứu kịp thời quyết định sự sống còn của trẻ

Khi trẻ không may bị đuối nước việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là điều quan trọng nhất để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước, dìu trẻ lên bờ rồi gọi người giúp đỡ.

Bước 2: Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí và giữ ấm cho trẻ.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức.

- Đặt trẻ nằm trên mặt phẳng đầu hơi ngửa ra sau, móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng trẻ.

- Dùng ngón cái và ngón trỏ bịt mũi trẻ, sau đó thổi hơi trực tiếp qua miệng. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo mà trẻ vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim của trẻ đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:

Mới đầu hè đã xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm, kể cả ở trẻ lớn tuổi đã biết bơi - Ảnh 4.

- Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).

- Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.

- Phối hợp ép tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi).

Lưu ý: vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển trẻ bị nạn tới cơ sở y tế, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn. Trong trường hợp chỉ có một người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần hà hơi thổi ngạt. Còn nếu có 2 người cùng cấp cứu thì 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và trẻ có thể thở trở lại.

Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Bước 4: Trẻ sẽ nôn nhiều nước khi tỉnh lại, do đó cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để tránh trường hợp trẻ bị ngạt thở trở lại.

Bước 5: Kiểm tra cơ thể trẻ xem có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.

Bước 6: Nếu sơ cứu có kết quả, trẻ thở lại, cử động giãy giụa, hay vẫn còn hôn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hay dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển đến cơ sở y tế có trang bị hồi sức cấp cứu gần nhất. Quá trình vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và giữ ấm cho trẻ.

Mới đầu hè đã xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm, kể cả ở trẻ lớn tuổi đã biết bơi - Ảnh 6.