Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chủ tịch nước và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh 2/9

(Dân sinh) - Tối 31/8/2022, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì buổi lễ.

Thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chào mừng các vị khách quý đến dự Lễ kỷ niệm trọng thể 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng dự về phía Việt Nam có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội. Về phía quốc tế, dự lễ kỷ niệm có các Đại sứ, Trưởng các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Việt Nam đứng trong Top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới

Ôn lại thời khắc lịch sử cách đây 77 năm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, trời thu Hà Nội xanh thắm những ngày này như vẫn âm vang khí thế hào hùng của muôn triệu người dân đất Việt đứng lên giành độc lập, mùa thu tháng 8 cách đây 77 năm và cách không xa nơi chúng ta đang dự lễ hôm nay là Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi mà ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Chủ tịch nước, kể từ Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giữ vững nền độc lập, thống nhất đất nước và đạt nhiều thành tựu xây dựng và phát triển đáng tự hào.

Với mức tăng GDP hàng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm qua, ngày nay, Việt Nam đứng trong Top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.

Việt Nam là nơi hội tụ của hàng vạn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động có tổng vốn đầu tư gần 430 tỷ USD.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ.

Năm 2021, tổng kim ngạch đạt mức kỷ lục, khoảng 670 tỷ USD, tăng gần 23%. Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định FTA, trong đó có các FTA thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, RCEP…

Việt Nam thuộc nhóm nước đạt mức cao chỉ số HDI về phát triển con người. Tỷ lệ nghèo đa chiều (chuẩn Liên hợp quốc) năm 2020 giảm còn 4,8% (so với 9,9% năm 2016), thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục; phổ cập tiểu học năm 2000, phổ cập trung học cơ sở năm 2010, một số trường đại học của Việt Nam đạt vị trí cao trong xếp hạng của châu Á...

Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ MDG-2015 và đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc; thực hiện cam kết COP26 về giảm phát thải...

Việt Nam có quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia; quan hệ gắn bó với các nước láng giềng; thiết lập quan hệ ổn định lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện.

“Chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Năm APEC 2017, Nước chủ nhà Thượng đỉnh Triều Tiên - Hoa Kỳ 2019, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc 2020 -2021”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Lễ chào cờ kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).

Lễ chào cờ kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2022).

Vừa qua, với tín nhiệm cao, Việt Nam tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021 - 2025 và tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế. Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (PKO) đạt nhiều kết quả tích cực, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao...

Trong dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp tục đưa quan hệ với nhiều đối tác đi vào chiều sâu, thực hiện ngoại giao chân thành “từ trái tim đến trái tim”, kiên định với đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, là đối tác có trách nhiệm, chủ động hội nhập quốc tế.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau

Theo Chủ tịch nước, từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, ổn định chính trị xã hội, nền kinh tế đang phục hồi nhanh, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn về lương thực, năng lượng...

Đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được triển khai tích cực.

Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh.

Đối ngoại được tăng cường, thích ứng hiệu quả với tình hình. Tự tin mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15/3/2022. Nhiều sự kiện quốc gia quan trọng được tổ chức thành công, nổi bật là SEA Games 31, làm thắm thêm tình đoàn kết “gia đình ASEAN” và quốc tế.

Từ đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trên mỗi chặng đường đã qua, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chúng tôi luôn nhận được sự đồng tình của cả cộng đồng quốc tế rộng lớn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Đánh giá tình hình quốc tế có nhiều cơ hội mới, nhất là xu thế số hóa lan rộng, đan xen với những biến động nhanh, khó lường, cạnh tranh địa - chính trị gay gắt tại khu vực và trên thế giới… trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch nước, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển Việt Nam hùng cường.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định mục tiêu, nỗ lực phấn đấu: Đến 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; và đến 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Từ thực tiễn đã qua, theo Chủ tịch nước, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng: Để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, trước hết phải đoàn kết toàn dân tộc, phát huy “nội lực” và cần phải có sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi với cả cộng đồng quốc tế để có thêm “ngoại lực” làm mạnh thêm “quốc lực” chung cho phát triển nhanh, bền vững.

Chủ tịch nước nói: “Người ta thường nói, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Trong thời gian qua, chúng ta đã cùng chia sẻ khó khăn và cùng nhau hợp tác, cùng phát triển bên nhau. Tôi mong các Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa đất nước và các tổ chức quốc tế mà Quý vị đại diện với Việt Nam để chúng ta càng thêm gắn bó, nắm chặt tay nhau cùng vượt thách thức và cùng hành động hướng tới tương lai thịnh vượng”.

“Vì một thế giới hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng!

Vì quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức và bạn bè quốc tế!

Vì hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh của đất nước và nhân dân Việt Nam!”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.