Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chủ tịch Quốc hội: Phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống

(Dân sinh) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công…; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ đại biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ đại biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Sau 21 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra và bế mạc chiều ngày 15/11.

“Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.

Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022;

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc

Quốc hội cũng vui mừng, đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua 6 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu 7 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác. Khái quát kết quả kỳ họp trong đó có tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội lưu ý, những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, dự báo tình hình kinh tế và chính trị - an ninh thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các Nghị quyết, dự án Luật

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các Nghị quyết, dự án Luật

Ở trong nước, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất tăng cao; thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn.

Vì vậy, Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống; siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, tập trung giải quyết căn cơ, có kết quả cụ thể các yếu kém, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong xử lý các tổ chức tín dụng, các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, giáo dục và thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (ĐBQH đoàn Thanh Hóa) lắng nghe, biểu quyết các Nghị quyết, dự án Luật

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (ĐBQH đoàn Thanh Hóa) lắng nghe, biểu quyết các Nghị quyết, dự án Luật

Về hoạt động giám sát, tại kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Từ kết quả giám sát, Quốc hội đã ban hành nghị quyết “đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Trong đó, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí được phát hiện. Cạnh đó, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong báo cáo của Đoàn giám sát.

“Đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện nghị quyết về giám sát, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững, tạo chuyển biến rõ rệt, căn bản trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để song hành với những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên bế mạc

Toàn cảnh phiên bế mạc

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự Tổng Kiểm toán nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Quốc hội đề nghị các vị mới được bầu, phê chuẩn nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, sớm nắm bắt công việc, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, bất cập để tạo bước phát triển mới trong các lĩnh vực được giao phụ trách, đóng góp vào sự phát triển chung, hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đáp ứng kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

“Đến thời điểm này có thể khẳng định, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các vị đại biểu sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp, giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, tích cực giám sát việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Theo ông Vương Đình Huệ, việc lùi thời gian thông qua này là để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ.