Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chủ tịch Quốc hội: Sau Covid-19, số người thất nghiệp không nhiều, nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ

(Dân sinh) - Về lao động - việc làm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế tại nhiều nước sau dịch Covid-19: Số người mất việc làm thấp nhưng người tham gia vào thị trường lao động cũng thấp. Tương tự, ở Việt Nam số người thất nghiệp không nhiều nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ... "Việt Nam đã có hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, đồng thời hỗ trợ gián tiếp thông qua chính sách giảm thuế. Nhờ vậy đã vừa hỗ trợ được người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vừa góp phần phục hồi, phát triển KT-XH, đồng thời duy trì được tỷ lệ lạm phát ở mức kiểm soát", ông Huệ trao đổi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu câu hỏi.

Hội thảo chuyên đề 2 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 có chủ đề "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững". Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự chuyên đề này.

Khó khăn vẫn chi hỗ trợ tiền mặt, không có chuyện suy giảm cầu

Tại đây, ông Jonathan Picus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP. Vì vậy, nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP.

Dẫn con số thực tế, năm 2021 chi tiêu giảm 21%, dẫn tới suy giảm GDP quý III, theo vị chuyên gia cao cấp UNDP, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ, cần quan tâm đến khích thích chi tiêu của người dân.

“Gói tài khóa đầu tiên Việt Nam cần ưu tiên thực hiện là kích thích chi tiêu”, ông Jonathan Picus nói và cho rằng, khi người dân chi tiêu, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ vòng quay mua sắm, tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh. Để kích thích chi tiêu, ông Jonathan Picus đề cập đến biện pháp chuyển khoản tiền mặt cho người dân.

“Các chính sách hoãn, giảm thuế không đem lại hiệu quả cấp số nhân cao bằng hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng mất việc làm”, theo vị chuyên gia UNDP.

Ngoài ra, ông Jonathan Picus khuyến nghị Việt Nam có thể xem xét tăng cường các biện pháp hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội cho trẻ em, hỗ trợ đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách xã hội…

Trước ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, nên chăng khi đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội cần đánh giá trong tổng thể các chính sách mà Việt Nam đã ban hành, thực hiện từ năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự phiên chuyên đề 2.

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu dự phiên chuyên đề 2.

Ông ví dụ, Việt Nam quyết định sử dụng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chi 38.000 tỷ đồng tiền mặt. Sau đó, vẫn tiếp tục kéo dài chính sách này chi thêm hơn 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn có 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà (theo Nghị quyết 43). Như vậy, tổng khoản hỗ trợ lên đến khoảng 2 tỷ USD. Ngoài ra, còn phần chi khá lớn của các địa phương trợ cấp trực tiếp cho người dân, người lao động.

“Những chính sách đó có tính là chi trực tiếp cho người dân hay không? Đánh giá chỉ giảm thuế thì không hiệu quả nếu chưa chi trực tiếp cho người dân, vậy kinh nghiệm quốc tế như thế nào? Nguồn từ đâu và tỷ trọng là bao nhiêu? Chưa kể, giai đoạn 2019-2020, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân của Việt Nam bằng tiền mặt là rất lớn…”, ông Huệ nêu câu hỏi với chuyên gia cấp kinh tế cấp cao UNDP.

Vấn đề nữa, theo Chủ tịch Quốc hội, các nước có tỷ lệ lạm phát cao, nhưng Việt Nam duy trì được ở mức thấp. Nghiên cứu rất kỹ thì thấy rằng do ngân sách Việt Nam tài khoá không có nhiều nên thay vì chi tiền trực tiếp cho người dân thì giảm thuế giá trị gia tăng 2% giúp bất cứ người dân nào cũng được hưởng. Chính sách này đã giảm thu ngân sách nhà nước mấy chục nghìn tỷ đồng.

“Vậy đây có phải là chính sách chi tiền trực tiếp không? Chưa kể chính sách này còn có tác động kép, góp phần giảm lạm phát”, ông Huệ nêu.

Khoảng 86.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp cho hơn 56 triệu lượt người lao động

Về lao động, việc làm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế tại nhiều nước sau đại dịch Covid-19: số người mất việc làm thấp nhưng người tham gia vào thị trường lao động cũng thấp. Tương tự như ở Việt Nam, số người thất nghiệp không nhiều nhưng một số ngành lại thiếu lao động cục bộ.

“Phải chăng có một bộ phận người lao động đang khu trú ở đâu đó sau đại dịch Covid -19? Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cần nghiên cứu vấn đề này. Dường như có một bộ phận lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc. Trên thế giới, xu hướng này ra sao?”, Chủ tịch Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi.

Trả lời, ông Jonathan Pincus nói, thực tiễn từ châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, ảnh hưởng của chính sách tài khóa là nhỏ, trong khi những khoản chi tiêu trong gia đình mới đóng góp lớn vào khôi phục ngân sách nhà nước.

Theo ông Jonathan Pincus, các khoản hỗ trợ này từ ngân sách địa phương và ngân sách của doanh nghiệp. Và với khoản hỗ trợ này, người lao động vẫn có thể đóng tiền nhà, trang trải các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày khác.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, hỗ trợ bằng tiền mặt không phải là nguyên nhân khiến người lao động rút khỏi thị trường. Bởi, các khoản hỗ trợ chỉ được chi trả khi có dịch, hết dịch sẽ bị cắt nên người lao động vẫn phải quay lại làm việc để có thu nhập.

Về nguyên nhân người lao động không quay trở lại làm việc, ông Jonathan Pincus cho rằng, có thể là do sức khỏe của họ bị suy giảm, vì thống kê cho thấy 10% người bị nhiễm Covid-19 có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hậu Covid-19, cần nhiều thời gian để hồi phục.

Ngoài ra, có thể do lao động di cư không trở lại nơi làm việc sau khi hết dịch; công nghệ trí tuệ nhân tạo đã thay thế nhiều công việc mà con người trước đây đảm nhiệm…

Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề 2.

Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề 2.

Trao đổi thêm về phần trả lời của ông Jonathan Pincus, Chủ tịch Quốc hội nói: “Nếu Chính phủ có nhiều tiền mặt để chi thì rất dễ dàng. Vấn đề là các nước có tài khoá khó khăn như Việt Nam nhưng vẫn tìm cách chi bằng tiền mặt và chi khá nhiều".

“Ở đây, vấn đề đánh giá tỷ trọng, phương pháp hỗ trợ và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ phải chăng không chỉ đơn thuần theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ mà phải đặt trong tổng thể các gói giải pháp, chính sách đã áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay. Tại sao tỷ lệ khách du lịch nội địa và bán lẻ vẫn tăng? Vì cầu của Việt Nam vẫn tốt, không có chuyện suy giảm cầu ở Việt Nam. Do đó nên chăng phải có đánh giá kỹ lưỡng hơn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế áp dụng ở Việt Nam như thế nào. Đây là vấn đề về chính sách”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

Bộ LĐ-TB&XH đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo người lao động

Với phần trả lời của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh về nguyên nhân khiến người lao động chưa quay trở lại làm việc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ LĐ-TB&XH cần phải có cơ sở dữ liệu để đánh giá thực trạng và xu hướng để có chính sách tới đây huy động người lao động trở lại làm việc.

“Vì bộ phận lao động này đã từng tham gia thị trường, có kinh nghiệm, có kỹ năng, được đào tạo rồi mà không thu hút họ quay trở lại được thị trường là không nên”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết thêm, theo chính sách mà Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, thực tế tổng các khoản chi hỗ trợ bằng tiền mặt của nước ta cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng, hỗ trợ trực tiếp cho hơn 56 triệu lượt người lao động.

Đây là mức chi không phải là ít so với các nước trên thế giới. Ngoài các khoản chi hỗ trợ trực tiếp, Việt Nam còn có các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua miễn, giảm thuế.

Về nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực sau dịch Covid-19, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu quan điểm, hiện còn một lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn nhưng chưa kịp quay lại nơi làm việc; hoặc không muốn quay lại nơi làm việc vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà. Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn…

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo người lao động; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm việc thông qua mạng internet.