Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chưa được cấp phép, Trung tâm GDNN Đại Phát ngang nhiên tuyển sinh và đào tạo nghề

(Dân sinh) - Từ phản ánh của người dân, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã vào cuộc thanh tra và phát hiện Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Đại Phát tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin, mới đây Sở đã tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh của người dân về việc Trung tâm GDNN Đại Phát có hành vi tuyển sinh và nhận tiền của học viên khi chưa được cấp Giấy phép đăng ký hoạt động GDNN theo quy định. 

Cụ thể, thời gian qua, Trung tâm GDNN Đại Phát đã gửi thông báo tuyển sinh đến nhiều đơn vị trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận để thu hút học viên, đặc biệt là lực lượng bộ đội xuất ngũ. 

Trên giấy thông báo tuyển sinh, Trung tâm GDNN Đại Phát có giới thiệu là đơn vị chuyên đào tạo các ngành nghề về Kỹ thuật - Công nghệ và giới thiệu việc làm cho những người học là thanh niên nói chung và bộ đội xuất ngũ nói riêng. Hình thức đào tạo gồm: Hệ sơ cấp nghề (đào tạo 3 tháng); hệ trung cấp chính quy (đào tạo 18 tháng). 

Theo quy định, thẻ học nghề chỉ có giá trị trong thời gian 12 tháng kể từ ngày xuất ngũ. Do đó, các học viên là bộ đội xuất ngũ đang rất lo lắng về quyền lợi của mình khi nộp hồ sơ vào những trung tâm chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN.

Theo quy định, thẻ học nghề chỉ có giá trị trong thời gian 12 tháng kể từ ngày xuất ngũ. Do đó, các học viên là bộ đội xuất ngũ đang rất lo lắng về quyền lợi của mình khi nộp hồ sơ vào những trung tâm chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN.

Trong đó, hệ sơ cấp nghề được Trung tâm Đại Phát tuyển sinh với các nghề như: Công nghệ ô tô; điện công nghiệp dân dụng; điện lạnh; công nghệ thông tin; vận hành xe nâng; sửa chữa xe gắn máy; lái xe A1; lái xe ô tô hạng B2 và C… 

Từ những giới thiệu đầy hấp dẫn đã có rất nhiều học viên đến đăng ký học nghề. Tuy nhiên điều đáng nói là sau nhiều tháng đăng ký học nghề, đã đóng tiền nhưng học viên không được nhập học. Nghi ngờ trung tâm này có dấu hiệu lừa đảo nên học viên đã làm đơn kiến nghị, phản ánh lên Sở LĐ-TB&XH TP. HCM và Sở GTVT TP. HCM. 

Trong đơn kiến nghị gửi Sở LĐ-TB&XH TP. HCM và Sở GTVT, các học viên cho biết: “Chúng tôi là hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn TP. HCM và các địa phương lân cận đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và ra quân hồi tháng 1/2023. Thời gian cuối trong quân ngũ, các đơn vị quân đội được một số trường nghề đến tư vấn dạy nghề và việc làm, trong đó có Trung tâm GDNN Đại Phát (có văn phòng đóng tại 138 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. HCM).

Sau khi ra quân, chúng con mang hồ sơ học nghề và tiền (bằng lái xe B2 đóng 8 triệu đồng; Bằng C đóng 9 triệu đồng) lên nộp tại văn phòng trên để đăng ký học nghề. Sau đó, chúng con được thông tin: Trung tâm GDNN Đại Phát không có Giấy phép hoạt động GDNN và Giấy phép đăng ký dạy lái xe ô tô. Chúng con rất hoang mang, không biết có được theo học như ở các trường nghề khác không?”. 

Đơn kiến nghị của học viên gửi Sở LĐ-TB&XH và Sở GTVT TP.HCM.

Đơn kiến nghị của học viên gửi Sở LĐ-TB&XH và Sở GTVT TP.HCM.

Để làm rõ phản ánh của học viên, phóng viên (PV) Báo Dân sinh đã tìm đến Văn phòng của Trung tâm GDNN Đại Phát đóng tại 138 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM, tuy nhiên phía trung tâm đã trả mặt bằng không còn dấu hiệu hoạt động. Khi PV liên hệ qua số điện thoại của Trung tâm GDNN Đại Phát thì có ông Bùi Xuân An (người trực tiếp tuyển sinh) bắt máy, ngay khi vừa giới thiệu là PV thì người này vội vàng cúp máy.

Theo tìm hiểu của PV, ông Bùi Xuân An không chỉ là người tuyển sinh và đạo tạo nghề tại Trung tâm GDNN Đại Phát mà còn bị nhiều học viên là bộ đội xuất ngũ phản ánh về việc tuyển sinh và thu tiền của học viên rồi đưa vào đào tạo tại những công ty chưa được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN theo quy định của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực GDNN. 

Các học viên là bộ đội xuất ngũ còn thắc mắc tại sao “một trung tâm hay công ty chưa được cấp phép có thể dễ dàng tiếp cận các đơn vị huấn luyện của bộ đội để tuyển sinh nhằm trục lợi từ thẻ học nghề”.

Liên quan đến tình trạng này, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, ngày 17/3/2023, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức thanh tra việc thực hiện pháp luật GDNN đối với Trung tâm GDNN Đại Phát theo nội dung kiến nghị của người dân về xem xét đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ. 

Qua kiểm tra hồ sơ, căn cứ quy định pháp luật, Thanh tra Sở kết luận Trung tâm GDNN Đại Phát hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN là không đúng, vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. 

“Thanh tra Sở đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-XPHC ngày 6/4/2023 về xử phạt vi phạm hành chính đối với Trung tâm GDNN Đại Phát và đề nghị Trung tâm đăng ký hoạt động giáo dục nghiệp theo đúng quy định tại Điều 19 Luật GDNN”, ông Lâm nhấn mạnh.  

Liên quan đến tình trạng hiện nay trên địa bàn TP.HCM có nhiều công ty, cơ sở, cá nhân tự ý quảng cáo, tuyển sinh đào tạo nghề nhưng chưa được Sở LĐ-TB&XH cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN theo quy định của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH khẳng định: “Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu sai phạm, Sở sẽ chuyển thông tin đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định”.