Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chung tay bảo vệ sự an toàn của trẻ em gái nơi công cộng

Nhằm thúc đẩy nỗ lực của các bên trong giải quyết vấn đề bạo lực giới, xây dựng ngành dịch vụ vận tải hành khách công cộng an toàn, thân thiện, không có bạo lực giới và quấy rối tình dục với phụ nữ, trẻ em gái và cộng đồng LGBTIQ+, vừa qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC) tổ chức Hội thảo “Bảo vệ sự an toàn của hành khách và em gái nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng".

Khách mời tham dự tọa đàm tại hội thảo.

Khách mời tham dự tọa đàm tại hội thảo.

Theo Báo cáo Khảo sát An toàn của em gái ở nơi công cộng và trên phương tiện công cộng của Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện năm 2014, 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt; chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng.

“Thành phố an toàn, thân thiện với em gái" là sáng kiến toàn cầu được Tổ chức Plan International thực hiện tại hơn 20 thành phố trên thế giới, trong đó có Hà Nội. Chương trình được triển khai tại Việt Nam từ năm 2014, phối hợp với Vụ Bình đẳng Giới - Bộ LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội, Trường Đại học giao thông vận tải Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Viện Phát triển Sức khoẻ Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT), Viện MSD hướng tới mục tiêu xây dựng những thành phố an toàn, thân thiện và có trách nhiệm với em gái, cũng như giải quyết các thách thức liên quan đến bình đẳng giới và quyền của trẻ em gái.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết: “Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội vui mừng khi được trở thành một trong các đối tác của Tổ chức Plan và Viện MSD, với mong muốn xây dựng hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và tàu điện an toàn, thân thiện cho hành khách đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm để nâng cao chất lượng phục vụ cho hành khách ngày càng tốt hơn, hệ thống giao thông công cộng văn minh, thân thiện với tất cả các đối tượng khách hàng”.

Các đại diện ký tên thể hiện sự cam kết.

Các đại diện ký tên thể hiện sự cam kết.

Bà Trần Vân Anh, Giám đốc Chương trình Viện MSD cho biết: Cách đây không lâu, MSD cùng với HPTC và Plan vừa kết thúc 6 lớp tập huấn cho hơn 200 lái, phụ và nhân viên phục vụ hành khách xe bus về bình đẳng giới và cách phòng ngừa và ứng phó với các tình huống quấy rối xảy ra nơi công cộng và trên phương tiện công cộng. "Tôi tin rằng, những thông tin và kiến thức này sẽ giúp các anh, chị đang hoạt động trong ngành giao thông vận tải công cộng có thể nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội, là nguồn trợ giúp tin cậy của hành khách. Điều này sẽ góp phần xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến an toàn và thân thiện với mọi người. Mọi trẻ em, đặc biệt là cái em gái sẽ tự tin khi ra đường, tham gia tiếp cận công bằng tới các địa điểm công cộng và phương tiên công cộng từ đó có thể tham gia vào mọi hoạt động học tập, vui chơi và các hoạt dộng xã hội khác một cách công bằng”, bà Vân Anh nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Bà Trần Thị Bích Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ về những nỗ lực trong các chính sách phòng ngừa bạo lực giới và bất bình đẳng giới, trong đó có thể kể đến như: Điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ 2019; truyền thông nâng cao nhận thức; hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân của bạo lực giới; tổ chức các khóa bồi dưỡng, nâng cao năng lực; tăng cường phối hợp liên ngành với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ…

“Ở góc độ chính sách, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đang trình Quốc hội thông qua; chúng tôi cũng đang nghiên cứu để sửa đổi Luật Bình đẳng giới và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới. Về các hoạt động, chúng tôi tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tiếp tục truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới; vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia tư vấn phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới đối tác hành động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới", bà Loan cho biết thêm.