Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chung tay hỗ trợ nan nhân da cam vượt qua những nỗi đau

Đã 61 năm trôi qua, nhưng cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài đối với cuộc sống của người dân. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải sống trong nỗi đau bệnh tật, đói nghèo bới không có khả năng lao động, sức khỏe bị suy giảm. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chung tay chăm lo, hỗ trợ để nạn nhân da cam vơi đi những nỗi đau.

Vượt qua những nỗi đau

Vốn là một nhà giáo tại quê nhà, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, thầy giáo Nguyễn Duy Khiêm thôn Đại Lộc, xã Yên Chính, huyện Ý Yên, Nam Định đã tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, dù nơi quê nhà ông đã có vợ và một cậu con trai. Sau khi nhập ngũ ông được biên chế vào Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, sau đó ông sang công tác tại Campuchia. Lăn lộn khắp các chiến trường ác liệt, ông đã nhiễm chất độc da cam từ lúc nào không biểt. Mãi đến năm 1981 vợ chồng ông sinh người con trai thứ 2 là Nguyễn Duy Nam. Nam sinh ra là niềm hạnh phúc lớn lao đối với vợ chồng ông bởi gương mặt thanh tú đôi mắt sáng long lanh. Thế nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao khi chứng kiến cơ thể và đôi chân của Nam cứ ngày càng teo tóp không thể ngồi, bò hay đi lại được như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Mặc dù hàng ngày phải trải qua những nỗi đau của bệnh tật và những khó khăn trong sinh hoạt nhưng nạn nhân da cam Nguyễn Duy Nam luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Mặc dù hàng ngày phải trải qua những nỗi đau của bệnh tật và những khó khăn trong sinh hoạt nhưng nạn nhân da cam Nguyễn Duy Nam luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Thương con, vợ chồng ông đã bán hết những gì dành dụm được để đưa Nam chạy chữa khắp nơi với hy vọng con sẽ khỏi bệnh. Nhưng càng chạy chữa thì nỗi tuyệt vọng càng nhân lên khi mà 3 năm trời cả nhà gắn với bệnh viện Nhi đồng 1 TP.Hồ Chí Minh nhưng bệnh tình của Nam vẫn không thuyên giảm. Có những khoảng thời gian vợ chồng ông đã tự dằn vặt bản thân và cho rằng phải chăng mình sống chưa đủ tốt nên con mình không được hưởng phúc, mà ông không hề biết rằng mình đã bị nhiễm một loại chất độc do Mỹ rải xuống.

Ông Khiêm chia sẻ: Cũng may mắn Nam lại là đứa trẻ thông minh và nghị lực nên dù không đi lại được nhưng con vẫn rất chăm chỉ học hành. Sau khi học xong cấp 2, Nam đã đi học nghề sửa chữa điện dân dụng và mở cửa hàng ngay tại nhà. Là người cần cù, chịu khó, thông minh nên mọi người trong xã đều rất tin tưởng với tay nghề của Nam. Vì vậy, với thu nhập thừ 6-7 triệu đồng/tháng Nam đã nuôi được một câu con trai trưởng thành đang làm công nhân trên thị trấn và cậu con trai thứ 2 đang là sinh viên trường Đại học Giao thông vân tải. “Thấy con có cuộc sống ổn định như bây giờ, tôi cũng đã phần nào có thể yên tâm” – ông Khiêm nói.

 Sau 31 năm công tác trong quân đội,  năm 2005, ông Phan Huy Lưu về nghỉ hưu tại xã Yên Bình. Bản thân ông là thương binh 29%, nạn nhân chất độc da cam mức 3/4 nên ông luôn thấu hiểu, đồng cảm với những đồng đội là nạn nhân chất độc da cam. Vì vậy, khi về nghỉ hưu tại quê nhà, ông đã tham gia Hội Nạn nhân da cam huyên Ý Yên. Với vai trò là chủ tịch Hội, ông Lưu đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, hướng về cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ hội viên, nhất là các trường hợp đặc biệt khó khăn, tạo mọi điều kiện để họ được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định. Ban chấp hành Hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện để vận động chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. 5 năm qua, toàn huyện đã xét duyệt cho 318 người được hưởng chế độ, trong đó trực tiếp 309 người, gián tiếp 9 người; hàng chục hội viên được điều chỉnh mức trợ cấp, hỗ trợ làm nhà ở, cấp thẻ BHYT. 5 năm qua, tổng trị giá vận động đạt 2,251 tỷ đồng; hơn 3.000 lượt nạn nhân được chăm sóc, gúp đỡ bằng nhiều hình thức. ..

Nỗi đau của nhiều gia đình khi có đến 2-3 người con nhiễm chất độc hóa học.

Nỗi đau của nhiều gia đình khi có đến 2-3 người con nhiễm chất độc hóa học.

Chung tay chăm lo đời sống nạn nhân da cam

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện, cả nước có hơn 150.000 nạn nhân thế hệ thứ 2; hơn 35.000 nạn nhân thế hệ thứ 3; hơn 2.000 nạn nhân thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam ở nước ta có tới 4-5 người bị phơi nhiễm hoặc nhiều hơn; nhiều nạn nhân không có khả năng lao động, kiếm sống, thậm chí, không có khả năng làm chủ các hành động của bản thân.

Nỗi đau từ thảm họa da cam vẫn còn dai dẳng và nhức nhối, thời gian qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn thông cảm, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC). Theo đó, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện nhiều chế độ, chính sách nhằm cải thiện đời sống cho các nạn nhân CĐDC. Đảng, Nhà nước ta đã dành hàng trăm nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con, cháu của họ bị di chứng chất độc da cam. Hiện tại, cả nước có hơn 350.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và được trợ cấp hàng tháng. Hơn 50% hộ gia đình có người tàn tật và nạn nhân nhiễm CĐDC được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch – Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thay mặt Trung ương Hội đã đến thăm và tặng 100.000.000 đồng cho nạn nhân của Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch – Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, thay mặt Trung ương Hội đã đến thăm và tặng 100.000.000 đồng cho nạn nhân của Chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội.

Đồng thời, các tổ chức Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã được thành lập ở Trung ương và mạng lưới hội thành viên khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ khi được thành lập đến nay, các cấp hội rất nỗ lực tuyên truyền, vận động nguồn lực, gắn phong trào thi đua “Vì nạn nhân CĐDC” với các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động hội nhân ngày kỷ niệm, lễ, tết. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, hàng năm, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đều tổ chức nhắn tin ủng hộ nạn nhân CĐDC/dioxin với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.

Cùng với đó, việc quản lý Quỹ Nạn nhân CĐDC chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2021, Hội đã vận động được gần 2.930 tỷ đồng. Riêng năm 2021, vận động được gần 400 tỷ đồng. Số tiền đó đã được sử dụng hỗ trợ sửa, làm nhà tình nghĩa; trợ cấp học bổng; trợ giúp tìm việc làm; hỗ trợ vốn sản xuất; tặng các phương tiện sinh hoạt; khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí; xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng; trợ cấp khó khăn, trợ cấp khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết cho hàng trăm nghìn lượt nạn nhân. Đến nay, Hội đã có 26 Trung tâm nuôi dưỡng, nuôi dưỡng 980 cháu là nạn nhân CĐDC.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam cho biết, cùng với vận động nguồn lực chăm sóc nạn nhân, Hội còn thay mặt cho nạn nhân tiến hành vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc da cam/dioxin cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chưa giành được thắng lợi cuối cùng nhưng cũng đã làm cho người Mỹ, quân đội Mỹ hiểu được đây là tội ác chiến tranh và họ phải có trách nhiệm với các nạn nhân cũng như tránh lặp lại sai lầm.

“Từ năm 2009 đến nay Chính phủ Mỹ đã bắt đầu khử độc về môi trường. Dự án đầu tiên họ thành công với 105 triệu USD là ở sân bay Đà Nẵng. Từ nay đến năm 2030 thì có thể họ sẽ tẩy độc ở Biên Hòa và các tỉnh khác. Từ trước đến nay nói về chất độc da cam thì Mỹ không chấp nhận nhưng từ năm 2015, 2016 đến nay thì họ đã phải viện trợ cho nạn nhân khoảng 61 triệu USD đầu tư cho các phòng khám, các phòng phục hồi chức năng và hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho hay.