Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Chuyện giờ mới kể về “tể tướng Trần Kiên”

(Dân sinh) - Nhân 16 năm, ngày mất của ông Trần Kiên ( 1920 - 2004 ), nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Phóng viên ghi lại câu chuyện do thương binh Trần Lân, người mà có một thời gian dài gần gũi cùng gia đình ông Trần Kiên kể lại giai thoại về người “tể tướng” sống mãi trong lòng dân tận tụy cả đời phục vụ nhân dân và đất nước.

Ông Trần Kiên cố Bí thư TW đảng các khoá IV, V, VI, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa V, VI, người đã từng nổi danh một thời trong nhân dân và cán bộ, chiến sỹ: "Nằm ngửa thấy ông Trần Kiên - Nằm nghiêng thấy ông Đỗ Mười".

Tấm gương sáng cho mọi thế hệ

Ông Trần Lân kể lại, ba tôi là người Bình Định, tập kết ra Bắc năm 1954 theo Hiệp định Genève, công tác tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 ( Hà Nội ). Năm 1962, quân đội biệt phái ông tăng cường cho bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô ( nay là Hữu Nghị ). Cô Võ Thị Nhược, vợ chú Trần Kiên là y sỹ khoa ba tôi chủ nhiệm, năm đó chú đã là phó Tư lệnh Quân khu 5 - Thường trực Quân khu ủy, địa bàn 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên chiến sự rất ác liệt.

Má tôi làm y tá trong bệnh viện, từng là đội viên Đội du kích Lê Trung Đình đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, đồng hương với cô chú. Do đó, tôi luôn được cô cưng chiều mỗi lần đến khoa ba chơi, khi đó còn là 1 cậu bé con.

Những năm chiến tranh không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, ba tôi được điều động đi chiến trường Lào làm chuyên gia, còn tôi phải sơ tán về những vùng nông thôn xa xôi, lớn lên vào bộ đội. Ngay sau ngày kết thúc chiến tranh, hai cha con tôi: một người lính trẻ có 3 năm tuổi quân và một người lính già đã 31 năm vẫn trong quân ngũ, cùng trở về quê hương sau 21 năm xa cách.

Chuyện giờ mới kể về “tể tướng Trần Kiên” - Ảnh 1.

Ông Trần Kiên (đứng giữa)

Sau hòa bình, từ năm 1990 khi còn công tác ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đã nhiều lần tôi ra Quảng Ngãi thăm cô, chú Trần Kiên, lúc này đã nghỉ hưu về với đời thường. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, do yêu cầu của nhiệm vụ công tác nên cả hai người phải thường xuyên xa cách, mãi cho đến ngày được sống bên nhau đã trên, dưới 60 tuổi.

Khi còn làm việc, chú được cấp một ngôi nhà biệt thự tại khu Trung Tự, Hà Nội có giậu cúc tần và giàn phong lan thật đẹp ( cô, chú rất mê phong lan ). Nhưng ngay sau khi nghỉ hưu, cô chú bàn thống nhất trả lại cho nhà nước, quay về quê hương ở thị xã Quảng Ngãi ( sau này lên thành phố ).

Tỉnh Quảng Ngãi định cấp cho cô, chú ngôi "nhà lớn" có vị trí trung tâm, chú cười và nói: "Mình không thích nơi ồn ào. Vả lại, chỉ có hai vợ chồng già ở chi nhà lớn". Sau đó, đã dùng khoản tiền lương dành dụm được qua nhiều năm, để mua một căn nhà trệt cấp bốn đã cũ, diện tích 60 m2, mái lợp tôn đơn sơ tại vùng ven, nằm trong con phố nhỏ Trần Quang Diệu bề ngang 6 mét, không có vỉa hè. Nhiều người biết chuyện, lại xuýt xoa thay cho cô chú vì nhà đất cả đống tiền đến ngàn cây vàng. Chú chỉ nhẹ nhàng nói: "Tôi có vàng cũng không biết làm gì. Nhà mình ở chỉ cần che được mưa, bão là tốt rồi".

Tận tụy cả đời phục vụ nhân dân và đất nước

Đồng đội, nhân dân ai cũng kính nể ông Trần Kiên, dù tuổi già sức yếu nhưng ông vẫn tận tâm với người dân, với đồng bào.

Ông Trần Lân kể, khi ra Quảng Ngãi, tôi còn được nghe nhiều anh, chị cán bộ và hàng xóm kể những câu chuyện thú vị về chú với sự kính nể. Lúc mới mua nhà về ở, văn phòng tỉnh ủy thấy nhà trống trơn nên ái ngại, đã xuất tiền quỹ mua một chiếc tủ lạnh nhỏ và một số đồ gia dụng đem đến biếu hỗ trợ gia đình. Ngày hôm sau, chú lên tận cơ quan để cám ơn và trả tiền. Không nhận, chú yêu cầu tới nhà mang hết đồ về.

Con đường đất trước nhà cô chú lồi lõm, mùa mưa bùn lầy nước đọng các cháu đi học khó khăn. Nhiều phụ huynh gặp, nhờ uy tín của chú nói với thành phố cho làm đường. Nhưng chú lại nghĩ khác, Quảng Ngãi thời ấy còn nghèo, ngân sách địa phương rất khó khăn. Chú đứng ra vận động bà con có nhà ở dọc theo con phố đóng góp tiền và vật tư, rồi cùng xắn tay áo làm thành con đường bằng phẳng, đi lại thuận tiện cả bốn mùa.

Cho rằng, mình còn mắc nợ người đồng bào dân tộc đang nghèo, khổ. Nên thỉnh thoảng, chú đạp xe đạp từ thành phố lên tận các huyện miền núi, nơi hẻo lánh, xa hàng chục cây số đường đất gập gềnh ở Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long... là các căn cứ địa cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để thăm các gia đình cơ sở từng nuôi, giấu cán bộ. Chú vẫn giữ tác phong thời chiến tranh, khi đi luôn mang theo chiếc Ăng gô đựng cơm và Bi đông nước bên mình. Lúc nào mệt, đói thì tấp vào bên đường dừng chân nghỉ và mở đồ ăn, uống dưới bóng cây râm mát, không làm phiền ai.

Chuyện giờ mới kể về “tể tướng Trần Kiên” - Ảnh 2.

Ông Trần Kiên (bên phải) bữa cơm giữa rừng với cán bộ địa phương (ảnh: tư liệu do ông Trần Lân cung cấp)

Chú từng làm Bộ trưởng bộ Lâm nghiệp nên hiểu biết nhiều về giống, cây trồng. Nghe bà con người dân tộc thiểu số cần giống cây nào chú về thành phố tìm mua bằng được, tận tay mang lên cho bà con và hướng dẫn họ cách gieo, trồng, chăm sóc. Đến khi lãnh đạo ở tỉnh biết chuyện, thấy chú đi lại bằng xe đạp vất vả, bố trí xe công vụ chở đi và điện cho các huyện đón tiếp, chú từ chối nói thẳng: "Tôi nghỉ hưu rồi, hết tiêu chuẩn"!

Lần tôi đến Quảng Ngãi năm 2005 thăm, chú Kiên đã về với đất mẹ, còn cô Nhược thành bà lão ngoài 80 tuổi, sống với một đứa cháu gái đang học nghề. Người cô đã gầy yếu nhiều nhưng còn minh mẫn. Trong bộ đồ kiểu Bà ba giản dị hơn 40 năm trước, cách nói chuyện ân cần đến mức mấy anh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đi cùng, không tin cô là phu nhân của người có thời gian dài làm rường cột nước nhà. Cô vẫn nhớ rõ, nhắc lại những kỷ niệm ngày tôi còn thơ ở Hà Nội. Nhìn ngôi nhà cũ kỹ, tường vôi nay thêm đậm màu rêu phong, cùng những đồ vật đơn sơ với mấy nhánh lan rừng tàn bông treo trên khung cửa sổ, lòng tôi xót xa, không cầm được nước mắt ... Ông Lân xúc động.

Chuyện giờ mới kể về “tể tướng Trần Kiên” - Ảnh 3.

Nhà lưu niệm ông Trần Kiên được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 3.200 m2 (ảnh: Báo Quãng ngãi)

Nhiều lần chứng kiến cảnh, sau khi ông Trần Kiên mất, bữa cơm nào cũng vậy, đôi tay người vợ một đời thủy chung luôn xới thêm một chén đặt ngay cạnh mâm, thêm đôi đũa cô bùi ngùi nói : "Ông về ăn mấy hột với tôi ...". Tôi hiểu rằng, người chồng có sức mạnh vượt qua được mọi phong ba bão táp là nhờ có người vợ tảo tần, can đảm và biết hy sinh bản thân, luôn kề vai sát cánh với nhau đến trọn đời. Ông Trần Lan kể lại.

Theo ông Lân, hình ảnh mà khiến ông luôn xúc động và nhớ mãi là tấm di ảnh nhỏ của ông Trần Kiên bình dị, không có mũ sao, không huân, huy chương, hình chân dung ông lão tóc trắng như cước, quắc thước với vẻ mặt đôn hậu. Thắp lên ba nén nhang, tôi chắp tay thành kính, lòng đầy cảm phục con người trưởng thành từ Đội du kích Ba Tơ, một vị tướng quân quyết đoán và lãnh đạo Đảng xuất sắc. Sống thanh bạch, ngay thẳng, công - tư rõ ràng, không một chút gì tính toán cho gia đình. Tận tụy suốt cả cuộc đời, phục vụ nhân dân và đất nước. 

Ông Trần Kiên tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Tài, một người con ưu tú của quê hương Núi Ấn- Sông Trà. Ông tham gia cách mạng năm 1936, là đội viên Đội du kích Ba Tơ; tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Ngãi; Uỷ viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Bí thư Trung ương Đảng các khóa V, VI; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương các khóa V, VI; Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp.


Ông từng là Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai- Kon Tum, Đắk-Lắk, Nghĩa Bình; đại biểu Quốc hội khóa VI… Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng, ông Trần Kiên đã có nhiều công lao, đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Nhì cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.