Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Cò đất” thổi giá vùng ven trung tâm Hà Nội

Lợi dụng các thông tin quy hoạch, kế hoạch xây dựng các siêu dự án khu đô thị, thông tin lên quận… giá đất một số vùng ven trung tâm Hà Nội được “cò” thổi giá

Quý II/2019, bất động sản các quận, huyện ngoại thành Hà Nội được các chuyên gia và sàn môi giới đánh giá có bước phát triển bùng nổ, vươn lên mạnh mẽ. Đất nền, đất thổ cư Đông Anh, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng... đang có mức độ quan tâm lớn, tốc độ tăng giá nhanh nhất trên thị trường.

Đặc biệt, thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến giá đất thổ cư, đất nền các huyện này tăng nóng 20-30%, thậm chí nhiều khu vực tăng 70-100% chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2019.

“Cò đất” thổi giá vùng ven trung tâm Hà Nội - Ảnh 1.

Trước thông tin lên quận, giá bất động sản ở huyện Hoài Đức tặng mạnh.

Tại thị trường Hà Nội, từ đầu năm 2019, số người tìm kiếm bất động sản tại Đông Anh tăng mạnh, gấp từ 1,5 đến 2 lần so với những tháng cuối năm ngoái. Đông Anh cũng nằm trong top những địa phương có số người tìm kiếm bất động sản lớn của cả nước. Các khu vực Xuân Canh, Trung Oai… (Đông Anh), giá đất bị đẩy lên gấp đôi, mức tăng đạt 100% so với thời điểm đầu năm 2018, từ mức 15-20 triệu đồng/m2 lên tới 30-40 triệu đồng/m2.

Tại Hoài Đức, đầu năm 2019, đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm Trôi được chào giá 120-130 triệu đồng/m2, trong khi cùng kì năm ngoái giá chào bán là 80-110 triệu đồng/m2.

Kéo theo đó, giá đất của huyện Đan Phượng tại các vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10-25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30-40%.

Cụ thể: đất mặt đường 32, thị trấn Phùng khoảng 66-70 triệu đồng/m2; đất có đường 3m, cách Cầu Diễn 11km, gần trung tâm huyện ủy Đan Phượng giá 20,5tr/m2; lô đất cách tượng đài Phùng 300m có giá 17,5triệu đồng/m2; đất thị trấn Phùng có ô tô đỗ cửa giá 19,5triệu đồng/m2; lô đất cách chợ Phùng 200m có giá 16,5 triệu đồng/m2; lô đất cách chợ Phùng 200m có giá 16,5 triệu đồng/m2; đất tại xã Hồng Hà có giá khoảng 10 triệu đồng/m2…

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, từ năm 2018 đến 2019 có 289 quận huyện có sự gia tăng mạnh về lượng truy cập, thể hiện sự sôi động của thị trường đất nền không chỉ diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM mà còn sôi động khắp cả nước.

Riêng tại thị trường Hà Nội, trong quý 2/2019, mức độ quan tâm tiếp tục tăng mạnh ở các khu vực Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì.

Với những thị trường sốt nóng, ông Quốc Anh khuyến cáo các nhà đầu tư nên tỉnh táo để nhận định tình hình, nắm rõ quy hoạch và pháp lý, tránh lao vào những cuộc chơi mang tính chất đám đông.

Nhiều chuyên gia nhận định cơn sốt đất vùng ven thời điểm đầu năm chỉ là chiêu trò của cò đất và đầu nậu. Trên thực tế, những nhà đầu tư tay ngang, non kinh nghiệm, ôm đất chưa kịp đẩy hàng là những người chịu trận khi thị trường hạ nhiệt. Rất nhiều nhà đầu tư có thể lâm vào tình cảnh "vỡ trận" khi không thể đẩy hàng ở thời điểm hiện tại.

Theo đánh giá của các chuyên gia, các huyện vùng ven Hà Nội sắp sửa được nâng cấp hành chính thành quận là thông tin vui cho thị trường bất động sản tại các khu vực này nhưng cần một thời gian dài để các huyện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, kiện toàn hệ thống hạ tầng.

Bên cạnh đó, giới kinh doanh còn lý giải ở khu vực Đan Phượng đang "nóng" về giá đất còn bởi "cò đất" vin vào thông tin khu vực này sắp xây dựng một số siêu dự án khu đô thị cao cấp. Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của dự án Vinhomes Green City quy mô hơn 100ha của VinGroup hay một "ông lớn" bất động sản khác cũng sắp ra mắt một dự án có quy mô lên đến 200ha ở khu vực cách đó không xa.

Các chuyên gia lĩnh vực bất động sản cũng cảnh báo việc nhà đầu tư với mục đích lướt sóng, đón đầu đặc biệt là những người vay vốn ngân hàng để đầu tư cần phải cẩn trọng trong việc kinh doanh bất động sản tại các huyện vùng ven. Vì khi sản phẩm được qua tay những người đầu tư giá sẽ liên tục được đẩy lên, đến thời điểm thị trường không thể thanh khoản sẽ bị "chôn vốn" và gặp rủi ro về thời hạn thanh toán.

Trước đó, năm 2011 thị trường phía Tây khu vực Đan Phượng, Hoài Đức cũng từng xảy ra cơn sốt đất ảo vào cuối năm 2010 đầu năm 2011 khi đó là thông tin dự án tuyến đường trục Tây Thăng Long được phê duyệt, dự kiến được triển khai xây dựng đã khiến giá đất dọc các xã, làng mà tuyến đường đi qua bỗng dưng "nhảy múa". Tuy nhiên, sau đó dự án trục Tây Thăng Long cũng đã chậm triển khai, hoãn lại do việc điều chỉnh quy hoạch thì giá đất sau đó cũng "bốc hơi" rõ rệt.