Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cô giáo ở Trung Quốc vào rừng dạy online

Mỗi sáng, cô Liao Xiaolan, 40 tuổi, mang theo bàn ghế, laptop, modem cùng bộ khuếch đại tín hiệu Internet vào khu rừng cách nhà một km để dạy online.

Thông tin trên được tờ Vnexpress cho biết, theo đó, Liao Xiaolan là giáo viên bộ môn Khoa học tại một trường trung học ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, trở về thăm nhà bố mẹ ở vùng núi Jinggang vào dịp Tết Nguyên đán. Đầu tháng 2, khi có hai người nhiễm nCoV, làng của Liao bị phong tỏa khiến cô và chồng mắc kẹt tại Jinggang.

Cô giáo ở Trung Quốc vào rừng dạy online - Ảnh 1.

Cô giáo Liao vào rừng dạy online. Ảnh: Xinhua.

Theo thông báo của trường, các lớp sẽ bắt đầu học online từ 10/2 giống như các đơn vị giáo dục khác tại Trung Quốc. Việc này gây khó khăn cho Liao vì nhà cô được bao quanh bởi nhiều ngọn núi cao, hạn chế kết nối 4G. Cô không thể quay trở lại Hàng Châu cũng như sang thị trấn kế bên để sử dụng Internet.

Để giải quyết vấn đề, Liao đã chế tạo bộ khuếch đại tín hiệu từ tre, dây điện và bảng mạch. Chồng cô, giảng viên kỹ thuật tại trường đại học, giúp đỡ Liao hoàn thiện các thiết bị.

Hai ngày trước khi bắt đầu buổi học trực tuyến đầu tiên, Liao và chồng đã ra ngoài vào sáng sớm để tìm một nơi có tín hiệu Internet ổn định. Cuối ngày hôm đó, họ thấy một vị trí trong rừng, cách nhà khoảng một km, nơi giúp bộ khuếch đại hoạt động tốt nhất.

Dù đã có kinh nghiệm đứng lớp nhiều năm, Liao vẫn cảm thấy run trước khi bước vào buổi học online đầu tiên. "Tôi lo lắng không biết học sinh sẽ nghĩ gì khi thấy mình đang ở trong rừng và liệu bộ tín hiệu có hoạt động tốt hay không", Liao nói.

Sáng sớm 10/2, khi sương mù vẫn phủ trên những ngọn núi cao, cô Liao ngồi cạnh cụm cây trơ trụi, mở laptop để dạy trực tuyến cho học sinh cách đó hơn 700 km.

Liu Xuan, một trong những học sinh của Liao, chia sẻ đã có một lớp học rất khác biệt. "Khi em thấy cô giáo đang ngồi ở vùng núi hẻo lánh, xung quanh có nhiều lá cây rụng, em càng thương cô hơn".

Mỗi lần khi hoàn thành hai tiết học trong thời tiết lạnh giá của mùa đông, chân Liao cứng đờ. Cô duy trì lớp học trong rừng đến cuối tháng 2 và được trở về Hàng Châu vào đầu tháng 3 và tiếp tục dạy online.

Liao đánh giá việc học online thuận tiện trong các điều kiện đặc biệt, nhưng thiếu tương tác và không đem lại chất lượng như lớp học thật sự. "Nhiệm vụ của tôi là dạy các em. So với bác sĩ và y tá đang mạo hiểm mạng sống để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19, đóng góp của tôi rất nhỏ bé", cô nói.

Liên quan đến việc học online ở Trung Quốc, tờ Nhandan.vn cho biết thêm về những thông tin này, theo đó, Trung Quốc hiện có khoảng 270 triệu học sinh. Để giúp toàn bộ số học sinh này lên lớp trực tuyến, từ các cơ sở giáo dục, giáo viên cho đến phụ huynh và học sinh đều đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ.

Cô giáo ở Trung Quốc vào rừng dạy online - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Tư liệu giảng dạy của Trung Quốc được lấy sẵn từ kho số hóa cuộc vận động "Một thầy một bài giảng hay, một tiết học một cô giỏi", được triển khai từ năm 2018. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khu vực chưa phủ sóng internet, một chương trình học trực tuyến trên truyền hình đang được gấp rút chuẩn bị. Bên cạnh đó, kết hợp Sở Giáo dục các thành phố lớn đã cung cấp miễn phí các bài giảng trực tuyến.

Sinh viên Trung Quốc hiện có tới 22 lựa chọn ứng dụng học trực tuyến với 24 nghìn bài giảng của 12 môn học đại học, 18 chuyên ngành cao đẳng. Các môn học thậm chí có thể tích điểm, giúp việc giảng dạy trở nên phong phú với nhiều lựa chọn.

Tất nhiên, chuyển đổi môi trường từ giáo dục trực tiếp sang giáo dục trực tuyến không đơn giản. Từ giảng đường thực tế tới giảng đường ảo không chỉ là khoảng cách về không gian, mà còn là khoảng cách về ý thức. Yêu cầu của giảng đường trực tuyến thậm chí cần cao hơn yêu cầu của giảng dậy trực tiếp. Trách nhiệm và thái độ của phụ huynh giờ đây trở thành chủ đạo, việc cần làm là kích thích tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của học sinh. Giáo viên cũng không vì lên lớp gián tiếp mà quên đi trách nhiệm dặn dò, đốc thúc học sinh của mình. Bù lại, đây là cơ hội lớn để Trung Quốc thử nghiệm cải cách mô hình giáo dục thời đại số.