Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Cơ hội cho ngành dệt may Việt thời 4.0

(Dân sinh) - 179 nhà triển lãm của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, HongKong, Indonesia, Italya, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam... hội tụ giới thiệu các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực này tại HanoiTex 2019 diễn ra ngày 23/10, tại Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết: Năm nay, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may - thiết bị & nguyên phụ liệu 2019 (HanoiTex 2019) diễn ra ngay sau Hội chợ thiết bị dệt may thế giới tổ chức 4 năm 1 lần (ITMA) tại Barcelona, là cơ hội đem tới các công nghệ thiết bị cập nhật nhất, phù hợp điều kiện Việt Nam, nhất là với các doanh nghiệp chưa có điều kiện tham dự ITMA 2019.

Theo đó, 179 nhà triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đức, HongKong, Indonesia, Italya, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam... sẽ giới thiệu các sản phẩm và công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực này.

Triển lãm là nền tảng tốt nhất cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tìm nguồn cung ứng thiết bị, công nghệ, vật liệu và vật tư tiên tiến, cập nhật mới nhất về thông tin thị trường thế giới, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cũng khẳng định, HanoiTex 2019 sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội giới thiệu và lựa chọn thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, được sản xuất từ các nước công nghiệp tiên tiến nhằm định hướng đầu tư thêm công nghệ mới, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa cũng như chủ động đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, thông qua việc đầu tư này cũng giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia và ký kết để từ đó nâng cao giá trị gia tăng, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng thông tin, đây cũng là cơ hội thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược đầu tư, hợp tác lâu dài.

Cơ hội cho ngành dệt may Việt thời 4.0 - Ảnh 1.

Công nghệ mới nhất trong lĩnh vực dệt may thế giới

Ngành dệt may đã chứng tỏ được vai trò trong giải quyết việc làm, an sinh xã hội, đóng góp nguồn ngoại tệ lớn và khẳng định tên tuổi trong nền kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may trên thị trường thế giới; tạo việc làm cho trên 2 triệu lao động và tiếp tục tạo ra khoảng 200 ngàn việc làm mới mỗi năm. Ngành dệt may Việt Nam cũng rất năng động nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, góp phần đưa đất nước hội nhập nhanh chóng vào cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng, có tính bước ngoặt, thay đổi thế giới.

Trong nhiều năm qua, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may - thiết bị & nguyên phụ liệu đã liên tục được tổ chức tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và được đánh giá là một sự kiện chuyên ngành lớn nhất tại Việt Nam. Ban tổ chức cũng cho biết, HanoiTex 2019 diễn ra đến hết ngày 25/10 tại Trung tâm hội nghị triển lãm ICE (Cung Văn Hóa Việt - Xô), Hà Nội. Sự kiện tiếp theo ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra từ ngày 8-11/4/2020.